Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos mùa Hè 2017 diễn ra từ ngày 27-29/6 đã thu hút hơn 1.500 chính trị gia, quan chức, doanh nhân, học giả và đại diện truyền thông, đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tới thành phố Đại Liên (Trung Quốc). Với chủ đề "Tăng trưởng toàn diện trong cuộc CMCN 4.0", Diễn đàn năm nay tập trung vào cách thức mà những đổi mới về công nghệ và chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn, theo đó ưu tiên tạo việc làm và phát triển bền vững.
Con người là trung tâm
Ngoài chủ đề chính, trong khuôn khổ của Diễn đàn năm nay đã diễn ra hơn 200 buổi hội thảo xoay quanh bốn nội dung: “Thúc đẩy phát triển công nghệ lấy con người làm trung tâm”; “Dẫn dắt tiến trình tái sáng tạo”; “Sáng tạo một hệ thống bền vững”; và “Đối phó với sự thay đổi của kinh tế địa chính trị”. Trong đó, nội dung thúc đẩy phát triển công nghệ lấy con người làm trung tâm được đặc biệt chú ý.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang có những bước tiến lớn, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều chuyên gia đã nhận định, chủ đề của hội nghị lần này phản ánh ý chí mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ các cơ hội và đối mặt với những thách thức nảy sinh từ đổi mới công nghệ.
Thế giới kỳ vọng, các cuộc thảo luận và sự hiểu biết, chia sẻ về tác động của cuộc CMCN 4.0 sẽ gợi mở về cách thức xây dựng nền kinh tế thế giới sáng tạo, toàn diện và bền vững hơn. CMCN 4.0 liên quan đến việc sử dụng ngày càng nhiều robot, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, điện toán đám mây... đang từng bước chiếm lĩnh thế giới, hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - được cho là nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa về việc làm. Năm 2016, WEF đã công bố báo cáo ước tính khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới do kết quả của việc thay đổi phương pháp làm việc.
Nội dung thúc đẩy phát triển công nghệ lấy cong người làm trung tâm được đặt biệt chú ý tại WEF Davos mùa Hè 2017. (Nguồn: Xinhuanet) |
Trong bối cảnh đó, những yếu tố vốn được coi là nền tảng cho sự phát triển kinh tế như dân số, lực lượng lao động dồi dào đã không còn là thế mạnh. Vấn đề đó đặt ra thách thức cho các nhà quản lý phải tìm ra phương thức phát triển mới phù hợp với thời đại mới – đáp ứng yêu cầu mới từ cuộc CMCN hiện nay.
Tái tạo lại nền giáo dục
Báo cáo “Hiện thực hóa những tiềm năng của con người trong cuộc CMCN 4.0”, do WEF thực hiện mới đây đã chỉ ra rằng, các hệ thống giáo dục trên thế giới đang làm thế hệ tiếp theo thất bại, do không được chuẩn bị sẵn sàng với môi trường làm việc của tương lai.
Công nghệ và toàn cầu hoá tiếp tục thay đổi mô hình kinh doanh trong tất cả các ngành nghề và khu vực địa lý, tạo ra các loại công việc mới và loại bỏ những công việc cũ với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, hệ thống giáo dục đào tạo cứng nhắc và thiếu thốn về tài chính đang không thể đáp ứng được xu hướng này. Điều đó có nghĩa là, hơn 10 năm nữa, khi rời ghế nhà trường, có đến hai phần ba số trẻ em đến tuổi đi học ngày hôm nay sẽ không có kỹ năng cần thiết để kiếm được việc làm.
Thách thức đó đang đặt ra yêu cầu cải cách hệ thống giáo dục truyền thống cứng nhắc, để nó trở nên linh hoạt hơn. Báo cáo của WEF chỉ ra rằng, cần có các biện pháp thiết thực để kết hợp giáo dục và đào tạo với các yêu cầu của công việc trong tương lai. Giáo dục dạy nghề và kỹ thuật đáng ra phải được coi trọng, nhưng thường bị hạ xuống hàng thứ yếu, song với yêu cầu mới của nền kinh tế thế giới, WEF chủ trương thúc đẩy những con đường tiến thân thông qua học nghề và kỹ thuật một cách chủ động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo yêu cầu của tương lai.
Ai sẽ lãnh đạo thế giới?
Với trọng tâm là cuộc CMCN 4.0 và bối cảnh là chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa đang có dấu hiệu trỗi dậy tại một số nước, nhiều nhận định được đưa ra tại Diễn đàn lần này tái khẳng định, toàn cầu hóa vẫn là xu thế chủ đạo của nền kinh tế thế giới. Và tại đây, một lần nữa Trung Quốc muốn thể hiện rằng nền kinh tế thứ hai thế giới đang thực sự “tự do, trách nhiệm và toàn cầu”.
Phát biểu trước đại biểu đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, các quốc gia cần phải bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện. Ông Lý nhấn mạnh vai trò tích cực của toàn cầu hóa đối với thúc đẩy dòng lưu chuyển tự do của hàng hóa, vốn và lao động, từ đó tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho các nhà sản xuất và thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho tất cả các nước.
Theo ông Lý Khắc Cường, bản thân toàn cầu hóa không mang lại khó khăn, mà thử thách đến từ việc các nước thiếu năng lực để bắt kịp với tiến trình này. Các nước nên tránh áp đặt các quy định đơn phương lên các đối tác, cũng như chính trị hóa thương mại bình đẳng. Phát biểu này của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khiến giới bình luận liên tưởng tới bài diễn văn bảo vệ toàn cầu hóa của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng Giêng.
Với lý luận “tiến trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược”, Lãnh đạo nền kinh tế thứ hai của thế giới đã đóng tròn vai trò của người bảo vệ chủ nghĩa tự do mậu dịch vào lúc tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng bị chỉ trích ở phương Tây và quốc gia biểu tượng của kinh tế tự do là Mỹ đang có dấu hiệu co cụm. Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc đã bước đầu thành công trong việc tranh thủ thời cơ để nắm vai trò lãnh đạo thế giới.