1001 lý do sinh con bằng trứng trữ đông
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Sinh sản ĐH McGill (Canada), một phụ nữ 36 tuổi ở Montreal vừa cho đông lạnh trứng của mình để có thể sử dụng cho con gái sau này. Cô bé 7 tuổi được chẩn đoán vô sinh do rối loạn gien, nên rất có thể sau này cô sẽ chọn phương pháp mang thai nhờ trứng của mẹ. Một trường hợp khác bị tắc vòi trứng 2 bên là một phụ nữ Anh, cô đã sinh hạ một bé gái khỏe mạnh bằng phương pháp trữ đông trứng.
Đây chỉ một vài trong số rất nhiều lý do khiến phụ nữ phải nhờ cậy kỹ thuật trữ đông trứng để sinh con. Trên thế giới, đặc biệt là ở những nước công nghiệp phát triển, nhiều phụ nữ có khuynh hướng không muốn có con sớm. Vì vậy, các nhà khoa học Anh đã có giải pháp cho những đối tượng này qua kỹ thuật lấy trứng khi họ còn trẻ, rồi giữ bằng phương pháp đông lạnh. Đến khi muốn có con, trứng sẽ được lấy ra rã đông, tiến hành thụ tinh nhân tạo rồi cấy vào tử cung của họ.
Chỉ định của trữ đông trứng còn có thể được mở rộng cho những phụ nữ có nhu cầu bảo tồn khả năng sinh sản trước các liệu pháp điều trị ung thư, kể cả những căn bệnh hủy hoại mô sinh sản, như bệnh ung thư buồng trứng… Sự thành công của phương pháp trữ đông trứng được xem như một cuộc cách mạng, vì nó mang lại hy vọng được làm mẹ cho những phụ nữ bị bệnh ung thư và các bệnh lý khác.
Mặc dù trường hợp thành công đầu tiên từ trữ lạnh trứng người được báo cáo năm 1984, song kỹ thuật ban đầu cho tỷ lệ thành công thấp. Do đó, thống kê trên thế giới hiện chỉ có khoảng trên 100 em bé ra đời từ trứng trữ lạnh.
Giải pháp triển vọng
Theo nhận xét của nữ tiến sĩ Marcelle Cedars, ở Trung tâm sức khoẻ sinh sản San Francisco (Mỹ): “Kỹ thuật đông lạnh trứng chưa hoàn thiện, nhưng đang tiến bộ rất nhanh”.
Theo bà, việc trữ lạnh phôi hay trứng trước đây được thực hiện bằng phương pháp “hạ nhiệt độ chậm” (slow freezing). Quá trình hạ nhiệt này diễn ra chậm, có thể hình thành tinh thể nước đá, nguyên nhân chính gây vỡ màng trong suốt hoặc vỡ tế bào và dẫn tới thất bại.
Còn ngày nay, việc trữ lạnh trứng được áp dụng phương pháp “đông lạnh cực nhanh với kỹ thuật thủy tinh hóa” (vitrification), tỷ lệ phôi sống và nguyên vẹn đạt đến 99%. Tỷ lệ thụ thai từ kỹ thuật này đạt tỷ lệ 50%, gấp đôi phương pháp cũ.
Thủy tinh hóa là quá trình làm lạnh mẫu trứng hoặc phôi với thời gian rất nhanh. Trong suốt quá trình hạ nhiệt độ, toàn bộ khối vật chất bên trong và bên ngoài tế bào chuyển thành dạng khối đặc, trong suốt như thủy tinh, đặc biệt không có sự hình thành tinh thể đá bên trong mẫu tế bào. Sau khi được cân bằng với môi trường có nồng độ chất bảo quản đông lạnh rất cao, mẫu trứng hoặc phôi được nhúng trực tiếp vào nitơ lỏng, không qua quá trình hạ nhiệt độ theo từng bước như trong đông lạnh chậm. Tốc độ làm lạnh của phương pháp này rất lớn, khoảng 2.000-2.500oC/phút.
Cho đến nay, trữ lạnh đã trở thành kỹ thuật không thể tách rời của một trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện đại. Tại cuộc hội thảo về kỹ thuật trữ lạnh mô buồng trứng được Quỹ khoa học châu Âu tổ chức tại Heidelberg, Đức (5/2008), các nhà khoa học đã thống nhất phối hợp hai lĩnh vực nghiên cứu nhằm gìn giữ mô buồng trứng của người và động vật vốn khá tách biệt với nhau trước đây để hỗ trợ lẫn nhau, mở ra các hướng đi mới cho nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế.
Phương Vân (Theo ScienceDaily)