Nghệ sĩ tham gia chương trình Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn. |
Những ngày này, các nghệ sỹ ba miền đang tích cực chuẩn bị cho cuộc hội ngộ đặc biệt diễn ra trong chương trình nghệ thuật “Cháy lên 5” được biểu diễn trực tuyến tại nhiều điểm cầu vào tối 18/9 tới.
Đây chỉ là một trong những sự kiện của chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” nhằm tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả cả nước trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường xuyên thời gian qua, chuỗi chương trình đã giúp khơi dậy ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo của các nghệ sỹ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật và lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Tinh thần xung kích
Ý thức được vai trò xung kích của văn hóa nghệ thuật, giới văn nghệ sỹ cả nước đã có nhiều sáng tác nghệ thuật để chia sẻ động viên kịp thời những người đang chiến đấu chống dịch Covid-19.
Điển hình là Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã có những tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa, như một liệu pháp chữa trị cho tâm hồn bằng âm nhạc, góp phần phòng chống, đẩy lùi đại dịch. Kể từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Hội đã nhận được trên 400 ca khúc của các tác giả trên cả nước gửi về hưởng ứng phong trào sáng tác.
Từ những tác phẩm này, Hội đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình công phu, dựng thành clip kịp phát sóng trực tuyến chương trình “Tiếng hát át Covid” vào đầu tháng Chín.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết trong điều kiện giãn cách xã hội, các nhạc sỹ, nhạc công, các kỹ thuật viên phòng thu… đã vượt qua khó khăn, lao động ngày đêm để ra đời những sản phẩm âm nhạc kịp thời giới thiệu với công chúng. Ông thực sự xúc động và cảm ơn họ đã tích cực cùng Hội thể hiện sự đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Mới đây, 100 nghệ sỹ ballet, đương đại, dân gian đương đại, jazz, hiphop trên cả nước tham gia chương trình “Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn” được dàn dựng, tập luyện và công diễn dưới hình thức trực tuyến, nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, tinh thần lạc quan, chiến thắng dịch bệnh.
Để có được chương trình ý nghĩa này, biên đạo Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã kêu gọi các nghệ sỹ cùng đóng góp trí tuệ sáng tạo, tập luyện, biểu diễn trực tuyến.
Bà cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, rất cần những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm bởi nghệ thuật là liều vaccine cho tinh thần, giúp chúng ta giãn cách mà không xa cách.
Bên cạnh đó, chương trình “Sing for life, Sing for love - Hát để sẻ chia” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia thực hiện với mục đích hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về việc toàn dân chung tay góp sức, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng quỹ hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.
Sáng tạo vượt thử thách
Giãn cách xã hội khiến các hoạt động nghệ thuật, sản xuất các chương trình giải trí, phim ảnh đều phải tạm dừng. Thế nhưng, nhiều nghệ sỹ Việt đã tận dụng “cây nhà lá vườn” để tiếp tục mang đến những món ăn tinh thần cho khán giả trong những ngày căng thẳng vì dịch.
Tranh thủ những khoảng lặng của dịch bệnh, không ít ca sỹ đã sản xuất những chương trình âm nhạc qua mạng với sự chuẩn bị tươm tất về âm thanh, ánh sáng lẫn bối cảnh, như chương trình “The master of living show” với sự tham gia của ca sỹ Hà Anh Tuấn cùng nhiều nghệ sỹ nổi tiếng.
Mỗi tập của chương trình này mang đến những câu chuyện với chủ đề khác nhau về phong cách sống, từ trang trí nhà cửa, mang thiên nhiên vào không gian sống cho đến những chủ đề về âm nhạc, đời thường...
Không tổ chức quay hình nhưng nam ca sỹ Tăng Phúc đã thực hiện nhiều bản audio ca hát cho dự án “Chill at home” để bầu bạn với khán giả trong những ngày tất cả mọi người thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách.
Mới đây, ca sỹ Hồng Nhung đã gây ấn tượng mạnh khi tạo nên một “ê kíp gia đình” để ra mắt chín MV âm nhạc tự thực hiện tại nhà. Căn hộ ấm cúng của chị tại vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh đã trở thành sân khấu và là nơi sản xuất các sản phẩm âm nhạc mới của diva này.
Có thể thấy, khó khăn cũng là cơ hội cho những người làm nghệ thuật tìm kiếm cảm hứng cho những ý tưởng mới.
... và những khoảnh khắc lắng đọng
Để lưu giữ những câu chuyện đẹp lẫn ký ức buồn của thời Covid-19, thời gian qua, nhiều họa sỹ đã khắc họa rất những tác phẩm đẹp của một thời hoạn nạn, khó khăn trong đại dịch.
Đáng chú ý là bộ tranh “Sài Gòn trong thời giãn cách” qua nét vẽ của họa sỹ Lê Sa Long đã chạm đến trái tim của người xem và được giới mỹ thuật đánh giá cao.
Tác giả đã khắc họa những góc phố, con đường, câu chuyện sinh hoạt đời thường nhưng chứa đựng sự tử tế, lòng nhân ái của người Sài Gòn.
Sau khi ra mắt trên trang cá nhân, album “Những người hùng thầm lặng” của họa sỹ Trần Trung Lĩnh cũng đã khiến nhiều người xúc động.
Qua nét ký họa tài ba, những câu chuyện đời thường được họa sỹ thổi vào tranh đầy sức sống, cho người xem cảm giác ấm áp bởi xung quanh ta đâu đâu cũng đầy câu chuyện tử tế, nghĩa tình.