Người Syria đón năm mới ở Damascus, Syria. Tình hình Syria sẽ quyết định cục diện Trung Đông trong tương lai. (Ảnh: Getty Images) |
Kỷ nguyên nguy hiểm nhất lịch sử đương đại
Trung Đông hiện đang ở thời điểm quan trọng, có khả năng đối mặt với một trong những kỷ nguyên nguy hiểm nhất trong lịch sử đương đại.
Do các cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ, không thể phủ nhận rằng sự sụp đổ chế độ của cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ảnh hưởng ngày càng suy yếu của Iran đã làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực của khu vực, tạo ra cả cơ hội và thách thức.
Những động lực thay đổi này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự hiện diện của các thế lực bên ngoài, với mỗi bên đều có lợi ích chiến lược riêng.
Trong bối cảnh các thế lực lớn đang cố nhìn nhận các nhóm vũ trang hiện đang lãnh đạo Syria theo hướng tích cực hơn thì sự hoài nghi vẫn còn lan rộng, phần lớn là do lịch sử cực đoan sâu sắc của các nhóm vũ trang này, nhất là sự phản đối của các lực lượng này đối với nền dân chủ phương Tây.
Do đó, nhận thức rập khuôn này về tình hình hiện tại ở Trung Đông có thể dẫn đến một số kịch bản nguy hiểm có thể định hình khu vực Trung Đông trong tương lai gần.
Cuộc nội chiến toàn diện hay bị chia cắt
Kịch bản đầu tiên là Syria sẽ rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện - một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất mà khu vực Trung Đông có thể trải qua.
Kịch bản này đặc biệt có thể xảy ra bởi sự hiện diện của các nhóm vũ trang có lợi ích cạnh tranh trong chính lãnh thổ Syria.
Ngoài ra, Syria còn là nơi sinh sống của nhiều nhóm thiểu số, bao gồm người theo dòng Shiite, Alawite và Druze, trong đó người Druze ở Suwayda chiếm một phần đáng kể trong dân số Syria và nổi tiếng với thái độ phản đối các phe phái vũ trang hiện đang lãnh đạo Syria.
Một kịch bản như vậy có vẻ rất có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi có sự tham gia của Iran, nước đang nỗ lực xây dựng lại ảnh hưởng của mình sau khi mất đi quyền lãnh đạo khu vực và những thất bại đáng kể mà Hezbollah phải chịu ở Lebanon, cũng như sự suy giảm quyền lực của lực lượng này trên khắp khu vực.
Iran có thể tìm cách khôi phục uy tín của mình ở Trung Đông bằng cách tận dụng ảnh hưởng của mình ở Syria, đặc biệt là bằng cách hỗ trợ các nhóm thiểu số ở nước này.
Kịch bản thứ hai liên quan đến việc tập trung vào các lợi ích xung đột của các cường quốc khu vực ở Syria, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Nga và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với quá trình ra quyết định của Syria thông qua sự lãnh đạo của các phe phái vũ trang.
Bên cạnh đó, lợi ích của những bên chủ chốt khác cũng cần phải tính đến, chẳng hạn như Israel, nước đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Syria trong nỗ lực bảo đảm chỗ đứng lâu dài, chống lại các mối đe dọa an ninh tiềm tàng do các phe phái vũ trang gây ra.
Mỹ - nước cũng đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông, đang tập trung nỗ lực vào việc hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Do đó, bốn nước gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Mỹ - với các lợi ích cạnh tranh và khác biệt, đang tích cực định hình tương lai của Syria, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nếu lợi ích của các nước này xung đột với nhau, Syria có nguy cơ bị chia cắt và bất ổn, gây ra mối đe dọa đáng kể không chỉ đối với khu vực mà còn đối với sự ổn định toàn cầu.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn với việc một số quốc gia Arab có lập trường coi các phe phái vũ trang hiện đang lãnh đạo Syria là mối đe dọa trực tiếp.
Các nước này cũng duy trì nhiều lợi ích và mối quan hệ khác nhau - cả về ngoại giao và quân sự - với 4 quốc gia can dự vào Syria nêu trên.
Do vậy, kịch bản xung đột lợi ích này có thể thành hiện thực nếu một trong các bên can dự tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình hoặc từ bỏ các cam kết đã đưa ra với những bên khác, từ đó làm leo thang căng thẳng hơn nữa.
Mỹ cần có cách tiếp cận mới trong chính sách tại khu vực Trung Đông. (Nguồn: Hoover Institution) |
Cần ở Mỹ sự mới mẻ
Kịch bản cuối cùng có thể là lãnh đạo mới của Syria, thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Ahmed Al-Sharaa tích cực phản đối chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ở Syria. Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ xung đột với lợi ích của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến vấn đề người Kurd.
Tổng thống Erdogan vẫn lo ngại về việc người Kurd mở rộng lãnh thổ vào khu vực. Mối quan ngại này đặc biệt cấp bách trong bối cảnh người Kurd phải chịu đựng sức ép ngày càng lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy khát vọng tự chủ của người Kurd trong nhiều thập kỷ.
Nếu kịch bản này thành hiện thực, tương lai của người dân Syria có thể sẽ trở nên ảm đạm hơn, chính quyền mới ở Syria sẽ tiếp tục chính sách củng cố quyền lực và kiểm soát chặt chẽ người dân.
Như vậy, tương lai của Trung Đông đang đứng trước sự chuyển đổi sâu sắc. Syria không còn là một quốc gia thống nhất với tương lai chiến lược bền vững, và khó có thể trở lại trạng thái trước đây, ngay cả khi các cường quốc toàn cầu rút các lợi ích cạnh tranh của mình khỏi khu vực.
Trung Đông vẫn luôn là điểm nóng cực kỳ bất ổn, có thể gây ra các xung đột lan rộng sang các khu vực khác. Trong bối cảnh này, điều quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh là phải xây dựng các chiến lược dài hạn, được cân nhắc kỹ lưỡng để định hình lại Syria và thiết lập sự lãnh đạo chính trị ổn định với tầm nhìn rõ ràng cho tương lai.
Việc ngăn chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan giành được quyền lực là điều cần thiết - không chỉ để ngăn chặn sự trỗi dậy của các chế độ bắt nguồn từ các hệ tư tưởng cấp tiến mà còn để giảm thiểu nguy cơ căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo.
Mỹ phải áp dụng một cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới mẻ, chủ động đối với Trung Đông, một cách tiếp cận vượt qua những sai lầm trong quá khứ. Nếu không có sự thay đổi như vậy, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu, có khả năng do các nhóm cực đoan kích động bạo lực thúc đẩy, sẽ rất lớn.
Cán cân quyền lực ở Trung Đông sẽ có sự dịch chuyển trong thời gian tới.. (Nguồn: The Economist) |
Ngã ba đường có vị trí quan trọng
Nếu cuộc chiến ở Dải Gaza là biểu hiện tồi tệ nhất của cuộc tranh chấp dường như không thể giải quyết giữa Israel và Palestine, trong đó có sự tham gia của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon, thì các nhà phân tích gọi cuộc xung đột giành ảnh hưởng ở Syria là cuộc đấu tranh quan trọng hơn nhiều để thống trị một ngã ba đường có ảnh hưởng đến toàn bộ Trung Đông.
“Syria là thước đo cho thấy động lực và quyền lực trong khu vực đang thay đổi như thế nào”, Tiến sĩ Mona Yacoubian - Giám đốc Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington, nhận định. “Và, lúc này Syria đang trong giai đoạn hỗn loạn giữa một khu vực vốn đã bốc cháy”.
Có rất nhiều quốc gia và lực lượng chính trị muốn duy trì hoặc ngày càng thiết lập ảnh hưởng lớn hơn tại Syria. Nga và Iran trước đây đã ủng hộ chế độ của ông Assad. Nga đã cấp quy chế tị nạn cho cựu Tổng thống Syria trong khi Iran có các cố vấn quân sự tại thực địa.
Những nỗ lực ngoại giao hiện tại của Mỹ và phương Tây ngoài nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ ảnh hưởng của Nga và Iran tại Syria, cũng là để bảo vệ lợi ích của họ trên cả Trung Đông. Một quốc gia khác, Israel thì có chung biên giới với Syria và xem đây là đường dẫn quan trọng cung cấp người và vũ khí cho miền Nam Lebanon, nơi lực lượng Hezbollah suốt nhiều năm qua giao chiến xuyên biên giới với Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hậu thuẫn HTS và một số nhóm trong liên minh nổi dậy lật đổ ông Assad, lâu nay vẫn coi lực lượng vũ trang người Kurd ở Đông Bắc Syria là nhóm khủng bố.
Nằm ở trung tâm của bức tranh chính trị phức tạp ấy, HTS đang phải gánh vác những nhiệm vụ to lớn. Họ sẽ cần sự hỗ trợ và tài trợ quốc tế để xây dựng lại đất nước, thúc đẩy quá trình thành lập một chính phủ mới mang tính đại diện cao cũng như tái định cư hàng triệu người tị nạn...
Do đó, theo ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, thì “phương Tây đang nhanh chóng đi đến kết luận rằng họ phải hợp tác với HTS dù tổ chức này có tên trong danh sách khủng bố”, nếu không muốn bất lực nhìn bàn cờ ở ngã ba Trung Đông xoay chuyển mà chẳng thể nào can dự.