📞

Vấn đề Biển Đông: Nhật Bản tỏ quan ngại, Indonesia kêu gọi giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982

Thế Việt 09:02 | 07/08/2021
Ngày 6/8, tại Hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 với sự tham dự của 20 quốc gia, Nhật Bản và Indonesia đã bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông và một số vấn đề nóng trong khu vực.
Hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 diễn ra ngày 6/8. (Nguồn: Tuấn Anh)

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Mahendra Siregar đã tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 và kêu gọi ARF tập trung vào một số nội dung trọng tâm, trong đó có xây dựng đối thoại và lòng tin chiến lược nhằm ứng phó với các thách thức trong khu vực.

Bên cạnh đó, ARF cần biến đối thoại thành hợp tác cụ thể trong lĩnh vực an ninh y tế, nhằm hỗ trợ thực thi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) như một phần trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Ngoài ra, các nước cần kiềm chế các hành động phô trương quyền lực và các hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần ủng hộ vai trò của ASEAN tại Myanmar và việc giải quyết mọi hình thức tranh chấp tại Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị trên, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhấn mạnh, nước này phản đối mạnh mẽ việc các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực "vẫn đang diễn ra và ngày càng nhiều".

Ngoại trưởng Motegi cho biết, ông muốn hối thúc Trung Quốc, cùng các nước khác, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và kêu gọi Bắc Kinh "tham gia vào đối thoại song phương cùng với Mỹ về việc kiểm soát vũ khí".

Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Motegi bày tỏ "hy vọng lớn" của Tokyo về việc nối lại đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng như nhấn mạnh việc Thủ tướng Suga Yoshihide muốn gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết.

Về tình hình tại Myanmar, ông Motegi quan ngại về những diễn biến ở quốc gia Đông Nam Á thời gian qua, đồng thời hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Erywan Yusof làm Đặc phái viên của ASEAN tại nước này, đề nghị thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ tạm quyền và các nhóm đối lập.

Ông Motegi khẳng định, Nhật Bản ủng hộ hoàn toàn các hoạt động của Đặc phái viên và hy vọng sự kiện sẽ giúp xây dựng quá trình khởi động đối thoại giữa các bên liên quan ở Myanmar trong tương lai gần.

(theo Kyodo)