Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua những thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hong Kong, trong đó có quyền phủ quyết ứng cử viên. (Nguồn: AP) |
Theo người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Wang Chen, quyết định này nhằm mục đích đặt quyền quản lý Hong Kong "một cách vững chắc vào tay các lực lượng yêu nước và yêu Hong Kong".
Mặc dù những thay đổi mới nhất vẫn chưa được định hình rõ ràng, cuộc bỏ phiếu đã dọn đường cho việc hướng tới một "cuộc kiểm tra trình độ của cả hệ thống" cho quy trình bầu cử ở Hong Kong.
Ông Wang Chen cũng cho biết thêm rằng, một ủy ban bầu cử do Bắc Kinh kiểm soát tại Hong Kong cũng sẽ được giao nhiệm vụ "bầu một tỷ lệ lớn các thành viên Hội đồng Lập pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, quyết đình này sẽ giúp đảm bảo "những người yêu nước quản lý Hong Kong" cũng như sự phát triển ổn định và bền vững của nguyên tắc "Một nước, hai chế độ".
Chiều 11/3, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ra tuyên bố nêu rõ, "kiên định ủng hộ và cảm ơn Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc" về việc thông qua quyết định trên.
Liên quan phản ứng quốc tế về động thái mới của Trung Quốc, cùng ngày, Thư ký Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomoyuki Yoshida ra thông báo nêu rõ: "Quyết định thời điểm này sẽ làm suy yếu hơn nữa sự tin tưởng vào khuôn khổ 'Một nước, Hai chế độ' vốn được đưa ra theo Luật Cơ bản Hong Kong và Tuyên bố Chung Trung Quốc-Anh năm 1984".
Bà Yoshida khẳng định, "Nhật Bản không thể bỏ qua việc này" và đã truyền đạt những quan điểm như vậy với Trung Quốc, đồng thời sẽ "tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc hối thúc Trung Quốc có những hành động cụ thể".
Cũng trong ngày 11/3, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, với quyết định của trung Quốc, "EU sẽ xem xét đưa ra các biện pháp bổ sung và lưu ý hơn tới tình hình tại Hong Kong".
Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cũng đã bày tỏ quan ngại với quyết định của Trung Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Hong Kong tổ chức bầu cử vào tháng 9 tới đúng theo kế hoạch, khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bóng gió về việc bầu cử sẽ tiếp tục được hoãn lại.
Ngoài ra, ông Blinken cũng kêu gọi giới chức xóa bỏ những cáo buộc đối với các nhà hoạt động Hong Kong, được áp đặt theo luật an ninh quốc gia mới.