📞

Vận đen “bủa vây” Facebook

11:57 | 16/03/2019
Dường như vận đen của “ông lớn” làng công nghệ Facebook vẫn chưa dừng lại sau sự cố sập mạng toàn cầu ngày 13/3, khi tiếp tục đối mặt với cáo buộc điều tra hình sự liên quan đến thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với các đối tác.

Bị điều tra hình sự

Tờ New York Times dẫn hai nguồn tin tư pháp cho biết, các công tố viên liên bang vừa mở một cuộc điều tra hình sự về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Facebook và các nhà sản xuất thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng như Apple, Amazon và Microsoft. Đây chỉ là một vài công ty công nghệ trong số 150 công ty mà Facebook có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cá nhân của hàng trăm triệu người dùng.

Việc để vướng vào điều tra hình sự lần này là do Facebook đã cho phép các nhà sản xuất này truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng mà không được sự đồng ý của người sử dụng. Theo đó, các dữ liệu được lấy cắp bao gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và thậm chí cả tin nhắn riêng tư.

Facebook đang bị điều tra trên diện rộng vì những liên quan đến thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với các đối tác. (Nguồn: Reuters)

Theo New York Times, tờ này đã phát hiện và đưa tin về các thỏa thuận ngầm giữa các “ông lớn” vào năm ngoái sau khi phát hiện Facebook chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất như Apple, Samsung và Blackberry. Đổi lại, Facebook sẽ được quyền xây dựng ứng dụng trên các thiết bị tương ứng của hãng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nhà sản xuất thiết bị liệu có bị điều tra hay không.

Phát ngôn viên của Facebook cho biết, các cuộc điều tra đang được diễn ra. “Chúng tôi đang hợp tác nghiêm túc với các cơ quan điều tra. Chúng tôi đã cung cấp lời khai, trả lời câu hỏi và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía điều tra” - phát ngôn viên của Facebook nói. 

Cổ phiếu đồng loạt giảm điểm

Sau khi thông tin về cuộc điều tra được tiết lộ, ngày 15/3, giá cổ phiếu của mạng xã hội này đã theo đà giảm tới 1,9%. Cổ phiếu của Facebook tiếp tục chịu nhiều áp lực sau khi New York Times đưa tin các công tố viên liên bang đang tiến hành các cuộc điều tra hình sự đối với các giao dịch dữ liệu mà Facebook đã thực hiện với các công ty công nghệ khác.

Đà giảm của nhóm dịch vụ truyền thông, dẫn đầu bởi Facebook, đã kéo theo chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm xuống mức 0,1% còn 2.808,48 điểm. Cổ phiếu Facebook sụt giảm cũng ảnh hưởng Nasdaq, chỉ số này đóng cửa phiên với mức giảm 0,2%, 7.630,91 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ tăng 7.05 điểm, đóng cửa với 25.709,48 điểm.

“Trụ cột” đồng loạt ra đi

Sau khi khắc phục được sự cố mất kết nối dịch vụ, thêm một đòn giáng mạnh khiến Facebook điêu đứng khi 2 “trụ cột” của công ty là Chris Cox – Giám đốc sản  phẩm và Chris Daniels, lãnh đạo WhatsApp đồng loạt xin nghỉ việc. Trước tin tức này, cổ phiếu công ty của Mark Zuckerberg giảm tới 2% chỉ sau vài giờ giao dịch.

Chis Cox (trái), một trong những người "kề vai sát cánh" cùng CEO Facebook Mark Zuckerberg trong những ngày đầu cũng bất ngờ "dứt áo ra đi". (Nguồn: Tech Crunch)

“Dù rất buồn khi để mất những người tuyệt vời như vậy, nhưng đây cũng là cơ hội cho các nhà lãnh đạo tuyệt vời hơn, những người tràn đầy năng lượng về con đường phía trước để đảm nhận những vai trò mới và lớn hơn”, CEO Facebook chia sẻ.

Chris Cox là một trong những nhân viên lâu năm nhất của Facebook và được coi là cánh tay phải của Mark Zuckerberg. Anh gia nhập công ty năm 2005 ngay khi mạng xã hội này ra mắt và giúp xây dựng News Feed. Năm ngoái, Cox được giao phụ trách “gia đình ứng dụng” của Facebook, bao gồm Instagram, WhatsApp và Messenger.

Trong khi đó, Daniels tiếp quản WhatsApp chưa đầy một năm trước, sau khi đồng sáng lập ứng dụng này Jan Koum từ chức.

Việc ra đi bất ngờ của các lãnh đạo chủ chốt đã khiến nhân sự của Facebook bị xáo trộn. Dù đã tính được một số vị trí, nhưng Mark Zuckerberg đang phải đau đầu trong việc tìm người thay thế. Ông chủ Facebook hiện tại đang phải vất vả hơn gấp 2 đến 3 lần khi vừa lo vấn đề pháp lý vừa phải lo cho công ty khi những người đứng đầu các ứng dụng khác nhau của công ty như Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp sẽ báo cáo trực tiếp cho Mark thay vì Chris Cox như trước kia.

Lấy lại niềm tin của người dùng

Thông tin Facebook bị điều tra đến cùng thời điểm mạng xã hội này gặp sự cố vào đêm 13/3 đến sáng 14/3. Người dùng nhiều nơi trên thế giới thông báo họ không thể sử dụng Facebook, Instagram một cách bình thường, nhiều lỗi đồng thời diễn ra tùy theo từng tài khoản.

Trên Twitter, từ khóa #FacebookDown được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khi số lượng người dùng gặp sự cố với Facebook tăng lên nhanh chóng.

Hãng tin BBC đánh giá, những sự cố lần này có thể gây ra thiệt hại kỷ lục cho Facebook. “Khoảng thời gian kéo dài cộng với số lượng người dùng khổng lồ bị ảnh hưởng khiến đây có thể xem như sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử Facebook”, phóng viên công nghệ Dave Lee của BBC nhận định.

Trên Twitter, từ khóa #Facebookdown liên tục xuất hiện sau sự cố sập mạng toàn cầu. (Nguồn: Twitter)

Đứng trước những luồng dư luận tiêu cực, CEO Mark Zuckerberg liên tục củng cố niềm tin người dùng bằng những lời hứa. Trong một bài đăng dài 3200 từ trên blog cá nhân, ông chủ Facebook cho biết, mã hóa sẽ là một trong những trụ cột phát triển của Facebook trong tương lai, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối mặt với việc bị cấm ở một vài quốc gia để đảm bảo điều đó. 

Ông chủ Facebook cho biết, các nền tảng tin nhắn của mình sẽ phát triển gần tương tự như WhatsApp hiện nay. Việc mã hóa hai đầu sẽ là tiêu chuẩn trên các ứng dụng tin nhắn của mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ giảm thời gian lưu trữ các tin nhắn, dự kiến mặc định xóa sau 1 tháng hoặc 1 năm lưu trữ, đồng thời cho phép người dùng tự xác lập thời gian này (thậm chí là chỉ trong vài phút). 

Theo các chuyên gia công nghệ, “chiêu bài” mã hóa có thể giúp Facebook xoa dịu tình hình, đồng thời xóa nhòa những bê bối trong thời gian qua. Mặt khác, nó cũng sẽ đem lại những cơ hội kinh doanh mới. 

(theo New York Times)