📞

'Vận đen' lặp lại của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Minh Anh 19:46 | 03/02/2021
TGVN. Vượt qua nhiều biến cố mang tính lịch sử, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46. Nhưng không may, trong di sản mà ông tiếp quản lại có một cuộc khủng hoảng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, giống như khi ông nhậm chức "Phó tướng" cho Tổng thống Obama cách đây hơn 10 năm.
Trong di sản mà tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp quản lại có một cuộc khủng hoảng, giống như khi ông nhậm chức 'Phó tướng' cách đây hơn 10 năm. (Nguồn: AFP)

Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế thứ hai đối với ông Biden trong vai trò người đứng trong hàng ngũ Lãnh đạo của nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, không cuộc khủng hoảng nào giống nhau, ông Biden chắc khó có thể áp nguyên những kinh nghiệm từ 12 năm trước vào xử lý khủng hoảng lần này.

Làm lớn, dứt khoát và làm nhiều hơn

So với gói kích thích mà Phó Tổng thống Biden và Tổng thống Barack Obama đã thực hiện vào năm 2009, gói giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được ông Biden công bố vào ngày 14/1, không chỉ lớn hơn rất nhiều, mà còn nhắm mục tiêu vào các vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Nó không nhằm mục đích tạo ra đủ chi tiêu tiêu dùng để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi và phát triển nhanh chóng, điều thường thấy trong các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống thường được triển khai trong các cuộc suy thoái trước đây.

Thay vào đó, gói cứu trợ "khủng" tới mức vẫn đang gây tranh cãi lớn tại Quốc hội Mỹ lần này, nhắm tới việc phục hồi hoạt động kinh tế bằng cách tấn công mạnh mẽ vào đại dịch Covid-19, thông qua đẩy mạnh phát triển vaccine, tiêm chủng và xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ những người dân và cộng đồng doanh nghiệp bị thiệt hại, cho đến khi mục đích cứu trợ hoàn thành.

787 tỷ USD là trị giá gói kích thích kinh tế của Tổng thống Obama vào năm 2009. Gói cứu trợ này thời đó cũng từng đi vào lịch sử bởi quy mô khổng lồ, số lần bị điều chỉnh tăng giảm, số lần sửa đổi và cả thời gian đàm phán dài kỷ lục. Kế hoạch nhằm mục đích kéo kinh tế Mỹ khỏi vũng lầy suy thoái được xem là tồi tệ nhất từ Đại khủng hoảng 1929, với điểm đến là xây dựng và đầu tư cho trường học, cầu đường và bơm tiền vào những ngành mới như năng lượng xanh và công nghệ, giúp 95% người dân Mỹ hưởng lợi từ việc giảm thuế, dưới dạng trợ cấp 400 USD cho mỗi cá nhân...

Để phù hợp với tình hình chính trị, xã hội thay đổi tại thời điểm đó, nhiều lần gói cứu trợ kinh tế đã được cập nhật những điểm mới. Trong đó, có các điều khoản dễ dàng thấy rõ, như thanh toán trực tiếp cho các cá nhân, hay trợ cấp của Chính phủ cho việc chăm sóc trẻ em... có thể đã được cử tri ủng hộ ngay lập tức, hơn là các khoản cắt giảm thuế nằm trong các đợt kích cầu. Điều này khiến một số nhà kinh tế và chuyên gia ngân sách phàn nàn về tính hiệu quả các nguồn lực của chính phủ, thứ mà nhiều khi không thể đo đếm cụ thể bằng những con số.

Trong kế hoạch 1.900 tỷ USD lần này, Chính quyền ông Biden đề xuất hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được phát 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12/2020. Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ. Người vay thế chấp nhà được hỗ trợ giãn nợ cho tới cuối tháng 9.

Số tiền 350 tỷ USD trong gói kích cầu trên sẽ được cấp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương; 170 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục để bảo đảm an toàn khỏi virus corona; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc…

Nhận định trên New York Times, cựu cố vấn kinh tế của ông Obama Jason Furman cho rằng, mọi phương diện của kế hoạch này cho thấy ông Biden đã học được một bài học từ năm 2009. Đó là phải "làm lớn, dứt khoát, và làm nhiều hơn những gì mọi người cho là có thể". Đội chuyên gia kinh tế của ông Biden, trong đó gồm nhiều nhân vật kỳ cựu từ thời cựu Tổng thống Obama cũng thừa nhận, họ đã rút kinh nghiệm từ "bài học 12 năm trước" và nhìn rõ những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nước Mỹ trong lần khủng hoảng này.

Ông Brian Deese, người được Tổng thống Biden chọn để lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho rằng, Bản kế hoạch có nhiều khác biệt so với gói kích cầu chống suy thoái năm 2009, với lý lẽ rằng: "Nếu muốn mọi người đi làm trở lại, chúng ta phải mở cửa lại các trường học. Nếu muốn mở lại trường, chúng ta cần xét nghiệm. Nếu muốn tạo ra một cây cầu dẫn nền kinh tế tới hồi phục, chúng ta cần hỗ trợ trực tiếp ở mức cao".

Tuy nhiên, hôm 1/2, dù Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng gói cứu trợ của ông có thể nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội, đồng thời "bắn tin" không chấp nhận một gói cứu trợ không giúp giải quyết được tình hình cấp bách hiện nay, như gói cứu trợ trị giá 618 tỷ USD do phe Cộng hòa đề xuất, thì với nhiều quan điểm không đồng nhất, từ quy mô cho đến cách triển khai, dù hai bên cũng đã tích cực thảo luận, vẫn không thể đi đến một thỏa thuận.

100 ngày "trăng mật"?

Ông Joe Biden trở lại Nhà Trắng lần này với tuyên bố đã sẵn sàng đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, như những gì ông cam kết khi tranh cử. Mặc dù vậy, nhiệm vụ "Thuyền trưởng" của cường quốc số một thế giới sẽ vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt sẽ có rất nhiều thứ không giống hơn 10 năm trước.

Không kể đến các thách thức mang tầm thế giới, chỉ riêng các vấn đề nổi cộm trong nội bộ nước Mỹ, thì trước mắt vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng đã là chặng đường đầy chông gai. Hàng loạt vấn đề nổi cộm, xã hội phân hóa, kinh tế chao đảo, y tế khủng hoảng... Chưa bao giờ Mỹ bị chia rẽ như hiện nay, khủng hoảng kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới mức gần bằng thời kỳ “Đại suy thoái” những năm 1930, đẩy hơn 18 triệu dân sống nhờ vào trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19 còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1914... Và thách thức lớn nhất đặt ra với Tổng thống Biden không phải là thách thức đó lớn như thế nào, mà là có quá nhiều thách thức cùng xảy ra.

Trong khi đó, tuy thất cử, nhưng ông Donald Trump vẫn quy tụ được số lượng cử tri ủng hộ lớn chưa từng có. Cách biệt sít sao này còn được thể hiện trong tương quan lực lượng ở cả Thượng viện và Hạ viện. Trong bối cảnh này, những bước đi tiếp theo của Tổng thống Biden được báo trước là sẽ rất khó khăn.

Sự ủng hộ từ lưỡng viện luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn, cụ thể là kế hoạch vực dậy nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Phe Cộng hòa chắc chắn sẽ gây áp lực mặc cả, không để tăng thuế đánh vào giới kinh doanh và người có thu nhập cao, họ có thể đồng ý tăng trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, nhưng có thể đi kèm điều kiện cắt giảm tài trợ cho các chính quyền địa phương đang khốn khó mà có đa số cử tri ủng hộ phe Dân chủ. Đây là những "cơn gió ngược" cản trở Tổng thống Biden hiện thực hóa lời hứa trong “100 ngày trăng mật”.