📞

Văn hóa mạng xã hội thời hội nhập

08:41 | 15/01/2018
Mạng xã hội thể hiện quan điểm, lối sống, suy nghĩ, nhân cách của mỗi người. Vì thế, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải sử dụng mạng xã hội sao cho thông minh và có văn hóa?

Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới. Từ đó, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số.

Mạng xã hội “xâm lấn” toàn cầu

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra những đối sách khác nhau nhằm tận dụng xu thế của cuộc CMCN 4.0 như: Chương trình công nghiệp 4.0 của Đức; Chương trình hợp tác sản xuất tiên tiến của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng công nghiệp internet”…

Hầu hết các nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và cả ở Trung Quốc đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh. Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những “người khổng lồ” trong thương mại điện tử, mạng xã hội (MXH) và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, đa số (88%) các dịch vụ công đã chuyển sang trực tuyến. Cả nước cơ bản phủ sóng 4G (4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng). Khoảng 52 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số).

Theo nghiên cứu của We Are Social Media (1/2017), nước ta có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng MXH, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng MXH. Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, nhanh chóng trở thành MXH phổ biến nhất hiện nay.

Sự phát triển mạnh mẽ của MXH đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân.

Một nữ sinh từng viết trong bài văn: “MXH không thể là ông chủ của bạn, chính bạn phải là người điều khiển MXH”. Nhiều bạn trẻ dùng MXH để giết thời gian, khiến con người rơi vào tình trạng sống ảo và thiếu đi những kỹ năng mềm. Họ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, đặc biệt là không có trải nghiệm và kỹ năng thực tế. Có thể nói, MXH không tốt cũng chẳng xấu, quan trọng là cách mà ta sử dụng nó.

Ứng xử thông minh trên mạng

Có lẽ, trong chúng ta ai cũng thấy rất rõ tính hai mặt của MXH. Ai đó chê “những người rỗi hơi mới dùng Facebook” là nhận xét phiến diện, chỉ nhìn cái dở mà không thấy tính ưu việt và sức mạnh của phương tiện truyền thông tiên tiến này. Không ít người sử dụng MXH để làm dịch vụ thương mại điện tử hoặc start-up vào nghề rất có hiệu quả.

Làm chủ một trang MXH, mỗi người vừa là tổng biên tập, vừa là phóng viên. Bên cạnh quyền, chúng ta cũng có trách nhiệm về những gì mình đăng tải. Nhiều người chỉ lướt qua Facebook là biết được tính cách của “chủ tòa soạn ấy” ở trình độ văn hóa nào.

Nhiều bạn tự cho mình quyền đả kích hoặc "ném đá" một ai đó. Tuy nhiên, mọi thông tin của bạn đều không qua “mắt” của ban quản trị mạng, kể cả khi đã xóa, không hiển thị thông tin ấy nữa.

MXH như một loại rượu mạnh, rất dễ gây nghiện, nhưng cũng cho người ta cảm giác: “Trái đất này là quá bé nhỏ”. Có người nói, những dòng trạng thái trên mạng có thể khiến hàng triệu người biết đến. Bởi vậy, khi kỷ nguyên số mở ra, mỗi người càng phải cẩn trọng hơn trong từng quan điểm, suy nghĩ, lời nói trên mạng. Chúng ta hãy sống chậm một chút, sử dụng MXH thông minh, có trách nhiệm và văn hóa hơn.

Việc sử dụng MXH nếu không cẩn thận dễ gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân chúng ta cũng như những người xung quanh. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vấn đề giao tiếp qua mạng, tình trạng sử dụng các ngôn ngữ thiếu lành mạnh, kích động và làm hại lẫn nhau qua mạng rất phổ biến.

Thực tế, nhiều người đang sử dụng mạng một cách hồn nhiên. Nhưng thế giới mở, mọi khoảng cách giữa các quốc gia dường như ngắn lại, nhà tuyển dụng thường nhìn vào lý lịch của các ứng viên để đánh giá. Nhiều người cho rằng, mình có quyền được thể hiện quan điểm cá nhân trên Facebook. Nhưng thực tế, nếu không tỉnh táo và biết kiềm chế những khen chê “vô thưởng vô phạt”, chúng ta rất dễ để mất cơ hội của mình.

Những gì chúng ta “trưng” lên Facebook đều được lưu vào lý lịch số. Nghĩa là, hôm nay bạn viết và bình luận gì về người khác là cơ sở để đánh giá về chính con người bạn. Ít ai biết, những lời xúc phạm, nhục mạ người khác trên Facebook là tự bôi đen chính mình. Hòa trong cuộc cách mạng số, nên chăng chúng ta, nhất là các bạn trẻ hãy giữ gìn cho mình một “sơ yếu lý lịch” sạch sẽ, trong sáng cả về kiến thức lẫn tư cách đạo đức.

Đã có không ít người sử dụng MXH bị xử lý hình sự do không tuân thủ luật pháp Nhà nước. Đã đến lúc chúng ta nên dẹp bỏ suy nghĩ MXH là ảo để ứng xử và hành động sao cho đúng đắn. Những bài viết, lời bình luận không tuân thủ theo pháp luật sẽ đến lúc nào đó trở thành bằng chứng cho các phiên tòa. Nếu chúng ta vẫn kêu gọi người dân có ý thức thì thực sự chưa đủ, quan trọng là làm sao phổ biến các kiến thức pháp luật cho người dân để MXH thật sự hữu ích và an toàn.

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã

(Nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội)