📞

Về đâu con tàu kinh tế thế giới?

07:00 | 24/02/2017
Con tàu trôi về đâu khi các trụ cột từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản… đều đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng họ.

Người ta nói rằng, những xu hướng dài hạn thường lặng lẽ tích tụ trong nhiều thập niên và khi gặp thời cơ sẽ nổi lên. Một bài viết trên trang Stratfor mới đây cho rằng, đây chính là tình huống của năm 2017. Những biến động trong năm 2017 sẽ là sản phẩm của những nước cờ chính trị đã lặng lẽ diễn ra trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc nổi lên tại các cường quốc, nhất là châu Âu và Mỹ, dường như các siêu cường của thế giới không còn là siêu cường như trước đây nữa.

Nước Mỹ đã mệt mỏi sau những “lo toan quốc tế” và giờ đây muốn quay về “sửa chữa ngôi nhà” của mình và buộc những trụ cột khác phải gánh vác nhiều hơn “nghĩa vụ quốc tế”. Trong khi đó, cả châu Âu hay Nhật Bản dường như rơi vào trạng thái bế tắc khi đã tung hết các “ngón đòn”, từ hạ lãi suất về âm hay bơm tiền vào nền kinh tế, nhưng các biện pháp đó hầu như chỉ giúp các nước này giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, hơn là tạo ra một đợt bùng nổ mới.

Trung Quốc muốn nhưng chưa sẵn sàng

Trong bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã mới đây, GS. Francesco Mancini của Trường Hành chính Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á đã sẵn sàng để trở thành lực lượng chèo lái toàn cầu hóa, trong khi các nước phương Tây, bao gồm cả châu Âu, đang có xu hướng trở nên khép kín hơn và ngày càng lo ngại về các liên minh xuyên quốc gia, các tổ chức khu vực và vấn đề toàn cầu hóa.

Những biến động trong năm 2017 sẽ là sản phẩm của những nước cờ chính trị đã lặng lẽ diễn ra trong nhiều năm qua. (Nguồn: FT)

GS. Mancini cho biết, tại Diễn đàn Davos mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn nút tái khởi động cho tương lai, nhấn mạnh thế giới vẫn phải cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thông qua việc mở cửa và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.  Ông Tập đã khẳng định niềm tin đối với các giải pháp "cùng thắng" trong những vấn đề toàn cầu. “Bài phát biểu này lẽ ra đã phải được công bố bởi một nhà lãnh đạo phương Tây vào những năm 1990”, GS. Mancini bình luận.

Đúng, Trung Quốc đang chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong thương mại toàn cầu, dù Bắc Kinh muốn cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng dịch chuyển từ trọng tâm xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước. Sau suy thoái năm 2008, Trung Quốc cũng được cho là đã đảm nhiệm tốt vai trò đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới thông qua việc đẩy mạnh đầu tư công và khuyến khích các doanh nghiệp vay nợ.

Nhưng giờ đây, chính những biện pháp kích thích tăng trưởng đó đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với công suất dư thừa, nợ chồng chất và những vấn đề cố hữu về cơ cấu. Có vẻ, vai trò đầu tàu kinh tế không còn thích hợp với Trung Quốc, ít nhất trong thời điểm này.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển và chưa thể gánh được trọng trách lớn nhất trong nền kinh tế thế giới. Và trên một diễn đàn quốc tế hồi tháng 7/2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng thừa nhận, dù vẫn là một nhân tố ổn định cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng nước này cũng đang phải chịu những áp lực suy giảm tăng trưởng riêng cần phải giải quyết.

Sau TPP là gì?

Hơn 70 năm qua, Mỹ cùng các đồng minh đã tìm cách định hình kinh tế thế giới toàn diện thông qua việc tăng cường các thị trường mở và thương mại tự do theo một khuôn khổ dựa trên luật lệ. Cách tiếp cận này đã mang đến những lợi ích kinh tế đáng kể toàn cầu và là một đề xuất thuyết phục cho nhiều nước.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận đó. Giới nghiên cứu dự đoán rằng, kịch bản hồi sinh TPP (không có Mỹ) khó thành hiện thực. Bởi nếu không còn Mỹ, thị trường rộng lớn của TPP sẽ giảm xuống 60%. Với sự thay đổi đáng kể như thế, những quốc gia còn lại trong khối khó có thể chấp nhận những nhượng bộ đã thương thuyết trước đó.

Báo cáo kinh tế vĩ mô toàn cầu tựa đề Điều gì đang chờ sau TPP? do Ngân hàng toàn cầu HSBC vừa công bố nhận định, việc Mỹ rút khỏi TPP và xem xét lại các cơ chế hợp tác đa phương, thiên về các hiệp định song phương có thể phá vỡ sự phát triển của mạng lưới sản xuất và khiến nền kinh tế kém hiệu quả hơn. Bức tranh thương mại toàn cầu sẽ mang màu sắc mới.

Mỹ - một đường lối hướng ngoại khác trước, đặt ưu tiên các vấn đề trong nước cao hơn các vấn đề quốc tế. Quan điểm bảo hộ thương mại và cam kết áp đặt thuế quan cao đối với hàng hóa nhập khẩu... là những chính sách đi ngược với trật tự kinh tế tự do mà Mỹ từng bảo trợ và vốn là nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc.

Mỹ - một cách tiếp cận khác với các biện pháp tăng cường cưỡng chế, nhất là với các đối thủ và các mối đe dọa. Một nước Mỹ bảo hộ luôn chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào các cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ. Với đường hướng như vậy, Mỹ có thể khơi mào nhiều cuộc đối đầu và căng thẳng leo thang trên toàn thế giới. Các cuộc chạy đua, trả đũa và bất ổn có thể “nóng” hơn bất cứ lúc nào, khi các quốc gia đều tăng cường áp dụng các chính sách tự bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dẫu có cách tiếp cận như thế nào, thì sự thoái lui luôn là điều nói dễ hơn làm đối với một siêu cường. Đơn cử như việc điều chỉnh các mối quan hệ thương mại theo cách mà Washington đang dự định làm có thể là khả thi nếu diễn ra cách đây hai thập niên về trước. Nhưng điều này lại không còn thích hợp khi trật tự thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi, trong thế giới phẳng, các nền kinh tế đều có sự gắn kết chặt chẽ cả vô hình và hữu hình.