Du thuyền trên sông ở Venice. |
Venice (tiếng Italy là Venezia) là thủ phủ của tỉnh Veneto (Italy) gồm 118 hòn đảo lớn nhỏ ven biển Adriatic.
Nếu như Thủ đô Rome nổi tiếng với đấu trường La Mã Colosseum - biểu tượng cho một thời đại huy hoàng và Tòa thánh Vatican quyền uy của Giáo hội Công giáo toàn cầu thì sự quyến rũ của Venice, một Di sản văn hóa thế giới, chính là những dòng kênh đan xen chằng chịt, những tòa dinh thự cổ kính, tráng lệ soi bóng đôi bờ.
Những dòng kênh xanh...
Ấn tượng không thể quên đối với du khách tới Venice là những con kênh lững lờ trôi, với những cây cầu cong xưa cũ. Đây chính là huyết mạch giao thông của thành phố, hơn nữa, những dòng kênh đào này có nét duyên dáng riêng, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng “hớp hồn” lữ khách. Thành phố có hơn 200 kênh, nổi tiếng nhất là Kênh Lớn (Grand) chạy từ ga tàu hỏa đến quảng trường Thánh Mark (Saint Mark). Có hơn 400 cây cầu, gồm cây cầu dài nối từ đất liền vào trung tâm Venice, trên cầu có đường cao tốc và đường tàu hỏa song song. Trừ con đường chính này, tất cả hệ thống giao thông ở Venice đều nối với nhau bằng những dòng kênh.
Với hệ thống kênh rạch len lỏi qua những phố cổ, phương tiện đi lại của người Venice là thuyền đáy bằng (gondola) có chiều ngang hẹp, mũi thuyền cao vểnh lên. Ngày nay những chiếc gondola được sử dụng để phục vụ du khách.
Một tour khám phá Venice bằng thuyền kéo dài hai ngày - một đêm với chi phí khoảng 140 USD/người. Bạn sẽ thưởng thức bữa trưa với mỳ Ý, salad, và những đặc sản địa phương ngay trên sông. Vào đêm trăng sáng, bạn ngồi thuyền lướt nhẹ trên dòng nước, ngắm cảnh đôi bờ với những tòa nhà đẹp cổ kính đầy chất lãng mạn, lắng nghe tiếng hát dân ca bay bổng của chàng lái thuyền…
Chính vì thế nhiều người gọi Venice là thành phố những con thuyền” vì không thấy phương tiện nào khác ngoài tàu thuyền các cỡ. Thậm chí xe đạp cũng không phổ biến ở đây.
... và kiến trúc Phục hưng
Venice được coi là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, nổi tiếng với những công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách Phục hưng và Byzantine (Đông La Mã).
Quảng trường Thánh Mark được coi là quảng trường đẹp nhất châu Âu luôn tấp nập với những đoàn diễu hành, với âm thanh vui nhộn từ những dàn nhạc. Tại đây có hai công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng là Dinh tổng trấn và Nhà thờ Thánh Mark.
Nhà thờ hơn 1.200 năm tuổi là công trình kiến trúc đặc sắc mang phong cách Byzantine. Tòa thánh đường tráng lệ làm say lòng du khách bởi sự tinh xảo tuyệt vời trong nghệ thuật chạm trổ và kiến trúc mái vòm.
Dinh tổng trấn được xây dựng năm 814, là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Gothic của Italy và phong cách Phục hưng. Kiến trúc Gothic ở Venice là sự kết hợp sử dụng mái vòm nhọn hòa trộn với phong cách La Mã và Ottoman. Thành phố xinh đẹp này cũng là nơi tập hợp kiểu kiến trúc Constantinople và một số đặc trưng kiến trúc Ả rập từ Morocco. Có hơn 100 dinh thự nằm dọc các con kênh, được xây dựng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII, minh chứng cho sự giàu có và nghệ thuật kiến trúc phong phú của Venice. Ở trung tâm thành phố sừng sững tượng đài danh tướng La Mã Bartolomeo Colleoni xây từ thế kỷ XV.
Một địa điểm hấp dẫn nữa mà bạn đừng quên ghé thăm là Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử, nơi trưng bày những hiện vật về lịch sử thành phố.
Venice đã trở thành niềm cảm hứng của bao nghệ sĩ, nhà khoa học nhiều thế kỷ qua. Nhà vật lý học danh tiếng người Đức Arthur Symons (1879-1942) từng bình luận: “Đến Venice, một người theo chủ nghĩa hiện thực cũng sẽ trở nên lãng mạn”.
Venice - lịch sử thăng trầm Truyền thuyết kể rằng, con người bắt đầu sinh sống ở đây khoảng thế kỷ VI. Người dân Venezia xuất xứ từ những người chạy trốn khỏi thành Troy sau chiến tranh. Nước Cộng hòa Venice tự trị được thành lập năm 697. Sau đó, Venice thần phục Đế quốc Byzantine (Đông La Mã). Đến thời Trung đại, Venice phát triển thành trung tâm thương mại và cường quốc hàng hải quan trọng. Các tàu buôn đến Venice tấp nập qua lại trên biển Địa Trung Hải. Thời kỳ này, Venice được coi là cầu nối giao thương hàng hóa giữa phương Tây và phương Đông, giao dịch với cả Byzantine và thế giới Hồi giáo. Trong lịch sử lâu dài của mình, Venice có lúc “xuống dốc” khi thành Constantinople của Byzantine bị Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm năm 1453. Nước Cộng hòa Venice không còn sau khi Hoàng đế Pháp Napoleon chiếm Italy năm 1797 rồi bị Áo cai trị sau khi Pháp thua trận tại Austerlitz năm 1805. Vào thập niên 1860, phong trào đấu tranh đòi thành lập nhà nước Italy lan rộng, người Venice nhanh chóng hưởng ứng và Venice trở thành một bộ phận của Vương quốc Italy năm 1866 và tiếp tục là một thành phố của Cộng hòa Italy ngày nay. |
Hoàng Trung Hiếu