Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại Đối thoại chính sách tại Hội châu Á. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 28/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Đối thoại Chính sách về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại trụ sở Hội Châu Á, thành phố New York do Hội Châu Á phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tổ chức.
Bà Chủ tịch Josette Sheeran, ông Phó Chủ tịch điều hành Tom Nagorski, Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách Hội Châu Á và gần 100 quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia buổi đối thoại. Buổi Đối thoại Chính sách cũng được Hội Châu Á truyền trực tuyến trên mạng Internet cho rộng rãi thành viên Hội Châu Á cũng như công chúng Hoa Kỳ và toàn thế giới theo dõi.
Thay mặt Hội châu Á, Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd phát biểu chân thành cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian thăm và phát biểu tại Hội Châu Á.
Là một tổ chức nghiên cứu, giáo dục quốc tế hàng đầu tại Hoa Kỳ, Hội Châu Á luôn quan tâm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo, các tổ chức và nhân dân châu Á, trong đó có Việt Nam với Hoa Kỳ thông qua nhiều sáng kiến và hoạt động giao lưu nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và đối thoại chính sách.
Ông cũng chân thành cảm ơn Lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Hội Châu Á làm cầu nối hữu nghị và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua. Ông bày tỏ sự đánh giá cao của quốc tế đối với thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong gần 30 năm Đổi mới, nhất là trong xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác liên kết vẫn là xu thế chủ đạo, tuy nhiên tình hình căng thẳng ở một số khu vực, chủ nghĩa khủng bố cực đoan, an ninh mạng, an ninh hàng không và hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, làn sóng di cư ồ ạt, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính đơn phương nhằm thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này, và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, và ổn định tại khu vực, đặt ra yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Điểm lại những bước phát triển đáng tự hào của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong 20 năm bình thường hóa quan hệ, Chủ tịch nước khẳng định những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ là nguyên nhân và động lực giúp hai nước vượt qua được quá khứ chiến tranh và những khác biệt để trở thành Đối tác Toàn diện của nhau; quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Để tận dụng những cơ hội hợp tác, cụ thể hóa và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước đề cập một số phương hướng lớn.
Thứ nhất, hai bên hợp tác tích cực triển khai hiệu quả Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ và Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam -Hoa Kỳ, trong đó quan trọng là xây dựng lòng tin, nhất là lòng tin chính trị.
Thứ hai, hợp tác thông qua những khuôn khổ, thể chế khu vực gồm Diễn đàn An ninh khu vực, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); hợp tác tổ chức thành công Hội nghị APEC năm 2017 tại Việt Nam; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, hoàn tất đàm phán và triển khai TPP; thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chất trên biển; thúc đẩy Sáng kiến hạ nguồn Me Kong-Mỹ.
Thứ ba, hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương lớn, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc trên lĩnh vực hợp tác phát triển, giữ gìn hòa bình, an ninh, chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại cuộc Đối thoại, Chủ tịch nước cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại diện quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ về triển vọng phát triển của Việt Nam, tiềm năng và cơ hội đối với Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Trung Quốc, vấn đề giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dân chủ và nhân quyền...
X.Dũng (từ New York)