📞

Vì sao có hiện tượng “lũ lụt ngày nắng” ở Mỹ?

13:52 | 19/10/2016
Không phải là bão lớn gây ra lũ lụt ở các thị trấn ven sông Delaware và vùng ven biển Jersey Shore của nước Mỹ. Mực nước biển dâng đang làm cho thủy triều ngày càng cao hơn, tạo ra thứ mà người ta gọi là "lũ lụt ngày nắng."

Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này chính là biến đổi khí hậu do con người gây ra, theo một báo cáo mới từ các nhà nghiên cứu khí hậu của tổ chức Climate Central (Mỹ).

Thành phố Ocean ở bang Maryland (Mỹ) bị lụt do nước biển dâng ngày 3/10. (Nguồn: StateImpact)

Tổ chức nghiên cứu này đã lắp đặt 27 đồng hồ đo thủy triều dọc theo bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của nước Mỹ. Họ nhận thấy rằng, 76% những ngày lũ lụt từ năm 2005 đến năm 2014 sẽ không xảy ra nếu không có sự tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Climate Central được đưa ra dựa trên số liệu về mức nước biển dâng lên 15,2cm trong thập kỷ qua, cũng như các kết quả nghiên cứu từ cuốn Kỷ yếu mới xuất bản của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ.

Theo báo cáo, ở Philadelphia, 83/120 ngày ngập lụt trong suốt 10 năm qua là do mực nước biển dâng cao. Ở thành phố Atlantic, tỷ lệ này là 162/229 và ở thành phố Lewes bang Delaware, con số này là 143/214.

Như vậy, hơn 3/4 trận lụt trong thời gian 10 năm gần đây được gây ra bởi nguyên nhân con người, như sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, gây ra phát thải khí nhà kính khiến khí hậu Trái Đất nóng lên, gây ra băng tan ở các vùng cực và dẫn đến mực nước biển dâng.

Ông Ben Strauss, Phó Chủ tịch phụ trách mực nước biển và khí hậu của Climate Central cho biết, kết quả nghiên cứu này làm ông bị bất ngờ. "Tôi không tưởng tượng nổi mực nước biển dâng lên như vậy có thể gây ra phần lớn các vụ ngập lụt vùng ven biển. Chúng ta cần có một cách nghĩ hoàn toàn mới về vấn nạn này", ông  Strauss nói.

(theo StateImpact)