TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng: Văn hóa doanh nghiệp là cầu nối hữu hiệu để hội nhập | |
Hàng hoá Việt tìm đường vào các nước ASEAN |
Việt Nam hội nhập quốc tế đã khá sâu rộng, công cuộc hội nhập kinh tế diễn ra cũng nhiều năm và chắc chắn thời gian tới sẽ càng nhanh chóng và quyết liệt hơn. Phát biểu tại “Gala Kết nối và Hội nhập chào mừng Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016” do Bộ Ngoại giao và Tạp chí The Economist tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Con tàu kinh tế Việt Nam đang tiến ra biển lớn của kinh tế toàn cầu với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao” (Báo Thế giới và Việt Nam ngày 2/11/2016). Nếu không phải doanh nghiệp Việt Nam, ai sẽ là người đưa kinh tế Việt Nam ra biển lớn như mong mỏi của Chính phủ, Thủ tướng và cũng là của nhân dân?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Gala Kết nối và Hội nhập. |
Trong bối cảnh chung đó, lẽ ra doanh nghiệp Việt Nam phải được chuẩn bị thật kỹ càng và tham gia tích cực, chủ động vào quá trình hội nhập quốc tế, tham gia các luật chơi quốc tế, để từng bước gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu hay trở thành những “tay chơi toàn cầu” (global players). Nhưng thật buồn trước thực tế là khá nhiều doanh nghiệp vẫn đủng đỉnh thờ ơ, chưa nhận thức hết mức độ cấp thiết phải đổi mới, không chỉ trong công nghệ, máy móc mà trước hết là tư duy kinh doanh và cách thức tiếp cận với thị trường rộng lớn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đang sống ngay giữa trung tâm châu Âu, được tiếp xúc và làm việc với cả doanh nghiệp Việt Nam và Đức, tôi cảm nhận được đôi điều để tự trả lời câu hỏi vì sao.
Tư duy kinh doanh như đang ở điểm xuất phát
Sau “Đổi mới”, cùng với gạo, nhiều mặt hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới. Nhưng ba thập kỷ qua, Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc xuất thô những mặt hàng đó.
Đức là nước nhập khẩu cà phê Việt Nam nhiều nhất trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng chỉ là cà phê nguyên liệu. Không có nhãn hàng cà phê nào của Việt Nam đứng được trong thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất EU này, ngoại trừ bán trong các chợ, khu thương mại dành cho người Việt ở những thành phố lớn. Vì sao vậy? Vì cách tiếp cận thị trường của ta quá cũ và lạc hậu.
Tư duy “buôn có bạn, bán có phường” không còn phù hợp. Hầu hết các yêu cầu kết nối với doanh nghiệp Đức hay tìm kiếm thị trường tiêu thụ gạo đều na ná như nhau, không thương hiệu gạo, không có các thông số về chất dinh dưỡng và các thông số khác theo yêu cầu của EU. Mặt hàng thủy hải sản cũng tương tự. Với những yêu cầu chung chung, việc tìm kiếm thị trường và kết nối doanh nghiệp là nhiệm vụ nhiều khi “bất khả thi”. Đâu đó vẫn còn có suy nghĩ mặt hàng nào bán được, bán chạy là đổ xô vào làm, không cần biết thị trường cần gì.
Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu ở Đức, nhưng hàng hóa của Selgros vẫn được nhập từ các doanh nghiệp đầu mối. (Nguồn: Horecanet) |
EU và nhất là Đức là những thị trường đã ổn định và đòi hỏi chất lượng cao. Muốn bán được thứ gì ở đây, ta phải “đẩy“ một mặt hàng tương tự ra khỏi sạp hàng. Việc “đẩy” này phải thông qua chất lượng tốt hơn, hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn; bao bì “bắt mắt” hơn và giá cả phải cạnh tranh hơn. Nếu không hơn được, hàng hóa của ta khó mà lọt được vào chứ đừng nói là “đẩy” hàng hóa của ai đó ra ngoài. Đây là điểm khác so với những thị trường còn thiếu hay còn cần những mặt hàng vốn là thế mạnh của ta.
Xúc tiến thương mại, đầu tư kiểu “lối cũ ta về”
Thực tế công tác xúc tiến thương mại cứ “bổn cũ soạn lại” vừa tốn kém thời gian, tiền bạc, vừa gây mệt mỏi cho cơ quan đại diện ngoại giao hay thương vụ và hơn hết nó làm “mất hứng“ các đối tác Đức.
Tôi từng gặp nhiều người đi xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư cho tỉnh, địa phương mà sau một hồi dài dòng về thế mạnh của địa phương và kêu gọi doanh nghiệp Đức hãy đến với địa phương mình, khách hỏi xin danh thiếp để sau này liên hệ thì trả lời là... quên không mang theo. Không hiểu sau này có doanh nghiệp Đức nào muốn đầu tư ở địa phương đó thật, biết tìm quan chức này ở đâu? Có trường hợp hỏi thăm thì được biết lãnh đạo đó đã... “hưu” sau khi từ Đức trở về.
Có lãnh đạo doanh nghiệp muốn tìm đối tác để liên doanh hoặc mua hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất “Made in Germany” vì nghe nói hàng của Đức tốt. Khi hỏi cụ thể hơn là muốn mua dây chuyền sản xuất loại hàng gì? Yêu cầu kỹ thuật ra sao? Số lượng mua bao nhiêu? Phương thức thanh toán thế nào?, thì trả lời là chưa có đề án cụ thể. Đó là hiện tượng khá phổ biến của các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư từ trong nước qua Đức. Số doanh nghiệp thực sự có nhu cầu không nhiều. Công tác chuẩn bị cho những hoạt động này nhiều khi thiếu chuyên nghiệp hoặc chưa nghiêm túc.
Sau khi dự những hoạt động này, khá nhiều doanh nghiệp Đức tỏ ra thất vọng và không có ý định tham dự những hoạt động tương tự.
Không tìm hiểu thị trường - “lỗi kinh điển”
Tiếp câu chuyện về cà phê Việt. Thị hiếu uống cà phê của Đức và Việt Nam khác nhau. Ở những thành phố lớn, thanh niên thích loại cà phê “to go” của Starbuck hay Einstein Kaffee, nhưng trong gia đình hay công sở, vẫn thịnh hành cà phê pha máy, uống với sữa tươi. Nhưng doanh nghiệp cà phê Việt Nam sang tiếp thị trong những “Tuần lễ hàng Việt Nam” hay trong các dịp đi đoàn xúc tiến, đa phần mang theo cà phê hòa tan ba trong một khá nhiều đường. Sản phẩm này hoàn toàn xa lạ với tập quán uống của người Đức.
Gian hàng chung của Việt Nam với mô hình Đoan Môn và màn hình LED cỡ lớn tại Hội chợ Du lịch quốc tế - ITB Berlin 2016. (Nguồn: TTXVN) |
Cách thức nhập và phân phối hàng hóa ở Đức cũng khác mà không phải doanh nghiệp nào cũng chú ý. Việc nhập và phân phối các mặt hàng bán ở hệ thống bán lẻ của Đức do các doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Các chuỗi siêu thị bán lẻ hầu như không nhập trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp bán buôn lớn như Metro hay Selgros cũng vậy. Cà phê tiêu thụ ở Đức do một vài tên tuổi nhập, rang chế và phân phối như Jacobs hay Melitta. Người tiêu dùng Đức vốn quen với các nhãn hàng này nên khó chấp nhận nhãn hàng khác, trừ một số rất ít ngoại lệ như cà phê của Italy.
Do đó, chỉ có cách là ta tham gia với họ để tạo thêm nhiều giá trị cho cà phê Việt Nam ở thị trường Đức. Tương tự như vậy, việc nhập khẩu và phân phối mặt hàng rau hoa quả cũng do một vài doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Hàng Việt Nam muốn vào được hệ thống siêu thị Đức, bán cho người tiêu dùng Đức, không có cách nào khác là phải thông qua những đầu mối này.
“Cưỡi ngựa xem hoa”... qua hội chợ
Một nước có truyền thống công nghiệp và thương mại như Đức, hội chợ luôn giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Ở đó, người ta không chỉ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, công nghệ, máy móc mới mà còn là nơi tìm bạn hàng, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng kết nối. Mỗi năm Đức có hàng trăm hội chợ lớn nhỏ với 35.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia và trên dưới một triệu lượt khách tham quan. 2/3 hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới là ở Đức.
Nếu đến thăm hội chợ ở Đức, ta thấy số đông là các đoàn doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng hóa, máy móc của các nước này được trưng bày tại những gian hàng lớn không thua gì các nước châu Âu hay Mỹ.
Còn doanh nghiệp Việt Nam có dự hội chợ ở Đức hay không? Chắc chắn tại một số hội chợ lớn ở Berlin có doanh nghiệp Việt tham gia, nhưng tại những hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới như CeBit (Hanover) hay MEDICA (Dusseldorf)... hầu như không có tên Việt Nam.
Một điều dễ thấy tại các gian hàng hội chợ của doanh nghiệp Việt Nam là cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm vẫn “xưa như Diễm”, không thay đổi nhiều, có những thứ được tận dụng từ những năm trước để tiết kiệm chi phí. Còn lãnh đạo và cán bộ của doanh nghiệp thường chỉ dự buổi khai mạc. Mọi việc sau đó có khi khoán trắng cho người làm thuê theo thời vụ. Nếu khách có hỏi cũng trả lời qua loa vì không nắm được gì cụ thể. Khi được hỏi chủ doanh nghiệp hay trưởng đoàn doanh nghiệp đâu, thường được trả lời là đi thăm quan thành phố hoặc “shopping”. Có lẽ đó mới là mục đích chính của việc sang Đức dự hội chợ.
Điểm yếu nữa khiến doanh nghiệp Việt khó giao tiếp là khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh). Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng thuê phiên dịch chuyên nghiệp. Do không có kiến thức chuyên môn nên việc truyền tải nội dung và kết nối khá khó khăn.
Nói vậy không có nghĩa là không có những doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp tư nhân khá thành công trong việc kết nối quốc tế, nhưng “một vài cánh én không làm nên mùa Xuân”. Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt thời kỳ toàn cầu hóa như dùng thuyền thúng đi ra biển cả. Mấy chục năm qua rồi, nhưng vẫn cái thuyền thúng đó, vẫn những con người đó và vẫn chỉ mới đâu đó quanh “bờ ao nhà mình”, chứ chưa dám bứt phá để tự tin ra biển lớn, nơi mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang chờ đón.
Hàng hoá Việt tìm đường vào các nước ASEAN Hiện nay, ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Theo thống ... |
Vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Lễ phát động "Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" và công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam sẽ ... |
Nhiều cơ hội mới kết nối kinh tế Bắc Âu và AEC Đây chính là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) cần đón đầu, chuẩn bị cho những cơ hội sắp tới. |