Được đánh giá là có ít kinh nghiệm đối ngoại trước khi trở thành Tổng thống, Bill Clinton đã chứng tỏ khả năng vận dụng các yếu tố văn hóa để truyền thông hình ảnh của mình một cách rất thành công khi tranh cử Tổng thống năm 1992.
Từ nhạc jazz
Ngày 03/06/1992, ông xuất hiện trên chương trình truyền hình buổi tối The Arsenio Hall Show với chiếc cà vạt hoa màu vàng và đôi kính râm gọng xanh dương, chơi saxophone bài Heartbreak Hotel của huyền thoại Elvis Presley. Hình ảnh này trái ngược hẳn với những gì phần lớn người dân nghĩ về các ứng cử viên Tổng thống thời đó: mặc comple, cà vạt đen, xuất hiện trên các chương trình bản tin và chính trị. Chính việc thay đổi phong cách tiếp cận đó đã làm cho hình ảnh một ứng viên tổng thống Mỹ có một sức hút mới đối với cử tri vốn nhàm chán với những khuôn phép cũ.
Tổng thống Clinton bắt tay người dân Việt Nam từ ban công một ngôi nhà, sau khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, năm 2000. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, việc Bill Clinton biết chơi nhạc jazz – một dòng nhạc vốn có xuất xứ từ cộng đồng người nhập cư châu Phi vào Mỹ - mà ông đã từng say mê thời còn là sinh viên cũng là một lợi thế. Sự hiểu biết và đam mê thể loại nhạc này của Bill Clinton, đã chứng tỏ “sự am hiểu văn hóa Mỹ-Phi” của ứng cử viên và điều đó chắc chắn sẽ được cộng đồng gốc Phi chào đón. Bên cạnh đó, cộng với việc Bill Clinton xuất thân từ một tiểu bang miền Nam đã khiến cho ông có được lòng tin rất lớn từ cử tri da đen tại Mỹ.
Ngày 11/09/1994, trong chuyến công du châu Âu đến Cộng hòa Czech, tại quán Reduta Jazz Club ở thủ đô Prague, Bill Clinton một lần nữa có dịp ứng dụng tài năng saxophone của mình trong ngoại giao văn hóa. Ông đã biểu diễn và mời Tổng thống Czech - ông Vaclav Hevel - chơi cùng. Đoạn nhạc hai Tổng thống song tấu được phát trực tiếp trên sóng radio Cộng hòa Czech lúc bấy giờ. Đến nay, màn trình diễn này vẫn được nhớ đến như một sự kiện chính trị và lịch sử quan trọng dưới cái tên “Two Presidents Gig” (Bản nhạc hai Tổng thống).
Tại Cộng hòa Czech, jazz là một loại nhạc có lịch sử lâu đời, đặc biệt thủ đô Prague đã sản sinh ra nhiều nhà soạn nhạc, band nhạc và có nhiều quán nhạc jazz nổi tiếng. Việc Bill Clinton nhận lời đến thăm quán Reduta Jazz Club, nhận lời mời chơi kèn saxophone “do Czech sản xuất” và mời Tổng thống Hevel chơi cùng đã thiết lập một nền tảng vững chắc mới cho mối quan hệ Czech - Mỹ. Sau chuyến thăm đó, không chỉ là việc Czech đồng ý tham gia Hiệp định Hợp tác vì hòa bình của NATO (Partnership for Peace), mà hình ảnh một vị tổng thống hào hoa, chơi nhạc rất hay đã chiếm được cảm tình của những người cộng sản tại Czech và Đông Âu. Đến mãi sau này, ông Hevel vẫn nhắc lại câu chuyện chơi nhạc cùng Bill Clinton và luôn coi Bill Clinton như một người bạn thật sự của mình.
Đệ nhất Phu nhân Mỹ Hillary Clinton và con gái Chelsea. (Nguồn: AP) |
Đến lảy Kiều
Khi nói về Đông Nam Á, Tổng thống Bill Clinton thường nhắc đến sự kiện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam như “một trong những thành tựu lớn nhất đời tôi”. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ngày 17/11/2000, Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Trong bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Bill Clinton đã “lảy” hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao tốt đẹp giữa hai nước:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”
Chuyện ông chọn đọc những câu thơ rất “đắt” trong Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du - một tác phẩm với những câu lục bát thấm đẫm hồn Việt - để hàm ý về quan hệ hai nước nay đã sang trang mới có sức lay động và lan tỏa thật mạnh mẽ. Việc một vị Tổng thống Mỹ đọc những câu thơ ấy không chỉ dừng lại ở sự thú vị mà còn thể hiện niềm vui của ông sau những nỗ lực thúc đẩy quá trình bình thường hóa hai nước. Đó cũng thể hiện sự am hiểu sâu sắc của ông với văn hóa Việt Nam cũng như sự giao thoa văn hóa giữa hai nước. Chính những câu thơ ấy đã tạo tiền đề cho các lãnh đạo Mỹ sau đó, từ Tổng thống Bush hay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden... đều đề cập đến thành tố văn hóa Việt Nam trong nhiều bài phát biểu về quan hệ hai nước.
Và nón lá Việt Nam
Cũng trong chuyến thăm dài ngày này, hình ảnh Đệ nhất phu nhân Hilary Clinton và con gái Chelsea Clinton đội nón lá đã được ghi lại khi hai người đến thăm dự án Quỹ tình thương của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Oxfam tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày 17/11.
Việc gia đình Clinton am hiểu và coi trọng văn hóa Việt Nam trong ngoại giao đã nhấn mạnh thông điệp rằng nước Mỹ sẵn sàng đi qua quá khứ và luôn mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đối với chính quyền Bill Clinton, điều này đánh dấu sự hoàn tất của giai đoạn bình thường hóa mà hai nhiệm kỳ Clinton theo đuổi. Đó là Học thuyết Mở rộng (Doctrine of enlargement) do chính Tổng thống Bill Clinton đề ra với nội dung chính là đề cao toàn cầu hóa, chú trọng vào tự do thương mại, liên minh đa quốc gia và nỗ lực gìn giữ hòa bình đa phương.
Tổng thống Bill Clinton đã hiểu ngay từ những ngày đầu tiên nhậm chức rằng toàn cầu hóa sẽ là động lực mạnh mẽ nhất trong thế giới hiện đại. Với học thuyết Mở rộng và chính sách liên kết với nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng cả sức mạnh kinh tế, quân sự lẫn sức mạnh mềm ngoại giao văn hóa, Bill Clinton đã để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử nước Mỹ và gây nên những ảnh hưởng kéo dài đến cả ngày nay. Để có thế làm như vậy, suy cho cùng, chính kiến thức, sự am hiểu sâu rộng và tài hoa trên lĩnh vực văn hóa đã góp phần không ít vào thành công trong sự nghiệp chính trị nói chung và ngoại giao nói riêng của Bill Clinton.