📞

Vị trí mới của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu

An Sinh 07:00 | 07/01/2024
Những ngày cuối năm 2023, Báo cáo của Fitch Ratings (Mỹ) củng cố thêm niềm hy vọng về vị trí mới của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu.
Triển vọng với kinh tế Việt Nam khá chắc chắn và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Getty Image)

Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) lên mức “BB+”. Điều này phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mà Fitch cho rằng sẽ giúp cải thiện cơ cấu tín dụng của Việt Nam.

Năm 2022, vốn FDI thực hiện của Việt Nam là 22,4 tỷ USD (khoảng 6% GDP), tăng so với mức 19,7 tỷ USD trong năm 2021. Vốn FDI thực hiện tính đến tháng 11/2023 là 20,2 tỷ USD. Nguồn tài chính từ bên ngoài đổ về Việt Nam cũng được đánh giá cao, khi dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 89 tỷ USD, sau khi giảm mạnh trong năm 2022.

Theo nhiều đánh giá độc lập, Việt Nam có khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ so với các nước khác và có mặt trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cả khu vực và toàn cầu. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy, dòng vốn FDI sẽ vẫn tiếp tục mạnh lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Fitch dự báo, tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam có tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7%.

Mới đây, trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, Trung tâm kinh tế và nghiên cứu kinh doanh (CEBR - Anh) cũng dự báo quy mô kinh tế Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt trong 14 năm tới. Trung tâm đánh giá nền kinh tế Việt Nam lớn thứ 34 vào năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD và có thể lọt Top 25 toàn cầu vào 2038.

Fitch tin chắc rằng, những trở ngại khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Bởi “bộ đệm” chính sách của Việt Nam đủ khả năng quản lý rủi ro trong ngắn hạn, để đưa nền kinh tế vượt qua được những khó khăn nội tại, đồng thời hài hòa mục tiêu phát triển khi nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Còn CEBR đánh giá Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã cải thiện được thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, để cải cách nội bộ, tăng năng suất lao động, đầu tư công và tư. Dòng FDI mạnh mẽ từ các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt từ các “nguồn vốn” hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, EU… đang củng cố cho tiềm lực phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, theo CEBR, với việc tận dụng được ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam hiện là thành viên của các hiệp định thương mại có quy mô rộng lớn, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Năm 2023, sau một loạt thoả thuận ký kết, các đối tác hàng đầu của Việt Nam hiện đã bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga...

Bằng cách liệt kê các sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam trong 12 tháng qua, Hãng thông tấn hàng đầu thế giới Reuters nhận định, “Việt Nam là nước đứng đầu trong sản xuất của khu vực, ngày càng trở thành một quốc gia có tính chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.