Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Biến đổi Khí hậu, Chính sách Môi trường, Việc làm và Xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU). |
Thỏa thuận xanh châu Âu đã được đề xuất từ năm 2018-2019 và phê duyệt vào năm 2020. Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với xu thế cắt giảm phát thải toàn cầu, lộ trình thực thi Thỏa thuận xanh sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Nhìn chung, trong bối cảnh mới, những mục tiêu của COP26 hay những xu hướng, nỗ lực để cắt giảm phát thải toàn cầu sẽ không làm đổi thay quyết tâm của EU trong việc thực hiện Thỏa thuận xanh. Bởi chúng ta đều thấy rằng, những vấn đề về biến đổi khí hậu và những tác động, ảnh hưởng của nó trên toàn cầu là những vấn đề mà nhân loại đã nhận thấy từ trước.
Thỏa thuận xanh được đề xuất vào năm 2018-2019 nhưng ngay từ năm 2008-2009, khi nền kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế thì một bản báo cáo của Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi toàn cầu cần phải có một Thỏa thuận xanh mới (New Green Deal).
Bối cảnh không hoàn toàn mới, đó là những điều mà nhân loại đã biết trước rồi, những kiến thức khoa học về biến đổi khí hậu, những gì mà chúng ta biết về tác động của nó đối với thế giới không thay đổi mà chỉ lớn hơn, trầm trọng hơn trước.
Như những gì chúng ta được chứng kiến trong 10 năm qua, khi tốc độ phát thải gia tăng, càng thôi thúc chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình thực hiện Thỏa thuận xanh. Biến đổi khí hậu đang tác động đến mọi lĩnh vực, loại hình của nền kinh tế, từ năng lượng, công nghiệp cho đến nông nghiệp, thực phẩm…
Tại Hội nghị COP26, các quốc gia đã cam kết hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chúng tôi hết sức vui mừng có sự tham gia của nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng, khi chúng ta có những cam kết như vậy sẽ giúp hành tinh của chúng ta phát triển xanh và bền vững hơn.
Ông đánh giá như thế nào về những quyết tâm và cam kết của Việt Nam, từ Chính phủ cho tới chính quyền địa phương và các doanh nghiệp?
Việt Nam đã chứng tỏ được quyết tâm của mình từ cấp cao nhất để tiếp tục thực hiện chiến lược theo tinh thần của Thỏa thuận Paris. Chính phủ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực xây dựng các chương trình, những hoạt động liên quan đến Chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu; đặt ra những cam kết cụ thể về mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030; rà soát dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII); chiến lược tăng trưởng xanh…
Đây đang là thời điểm quyết định của Việt Nam và Chính phủ cũng đang có những bước tiến phù hợp.
Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với cả Việt Nam và EU thời điểm hiện tại vẫn là tạo một môi trường tốt cho khu vực tư nhân cùng tham gia. Khu vực tư nhân mà tôi muốn nhắc tới ở đây không chỉ bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam mà còn là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Hiện nay Việt Nam cũng đang có nhiều công ty tư nhân có quy mô lớn.
Nhìn chung, có thể thấy Việt Nam đang sẵn một bầu nhiệt huyết với tăng trưởng xanh và đang trên hành trình hướng tới mục tiêu thực hiện những cam kết mạnh mẽ tại COP26 vừa qua. Quan trọng nhất, đất nước các bạn nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi để tạo ra một môi trường, cả về pháp lý và tài chính thật tốt để hỗ trợ cho tiến trình này.
Trong hai ngày từ 21-22/4, tại TP. Hạ Long, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thoả thuận xanh EU có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?". |
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của EU trong việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh, đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia?
Ngoài nguồn ngân sách tự có, EU còn huy động sự đóng góp từ các quốc gia thành viên, sự chung tay của nhiều bên liên quan khác. Ngân sách sẽ được chi để phục vụ cho các lộ trình xây dựng chính sách, thông qua đó hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan tích cực hơn.
Để thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân vào trong tiến trình này, theo tôi, Việt Nam cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với các quy phạm pháp luật được sửa đổi, để họ thấy được sự quan tâm, khuyến khích từ phía Chính phủ. Nếu có môi trường kinh doanh thông thoáng, họ chắc chắn sẽ sẵn sàng đầu tư.
Cụ thể như tại Thỏa thuận xanh của EU, chúng tôi luôn định nghĩa và xác định rõ như thế nào là hoạt động năng lượng sạch, như thế nào là hoạt động kinh tế sạch để các doanh nghiệp hiểu rõ và căn cứ vào các tiêu chí đó để tiến hành đầu tư. Chúng tôi cũng cung cấp các khoản vay có lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Là một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay, sau khi Thỏa thuận xanh được áp dụng và đi vào hiệu lực, EU sẽ có những hỗ trợ gì để giúp Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển đổi sản xuất để đáp ứng được thỏa thuận mới này?
Việc chuyển đổi sản xuất, đáp ứng hoạt động tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận mới liên quan mật thiết đến nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta đều biết, sản xuất và tiêu dùng có tác động rất lớn lao đến việc sử dụng nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là có thể gây ra các vấn đề về phát thải và các chất tạo nên biến đổi khí hậu, trong đó có khí CO2.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng chính là một phần trong chiến lược của Việt Nam trong mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với tiến trình này, EU cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Việt Nam.
EU rất coi trọng chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chúng tôi đặt trọng tâm vào vấn đề hợp tác quốc tế, trao đổi những cơ chế và chính sách nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi, đổi mới sáng tạo trong các ngành, đặc biệt là khối ngành công nghiệp.
Đơn cử như trong ngành dệt may, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới và EU cũng mong muốn được dùng những sản phẩm sạch, xanh, thân thiện với môi trường từ Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân. |
Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu, được phê duyệt vào năm 2020, là một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường, vốn là nhiệm vụ được xác định của thế hệ này. Đây là một chiến lược tăng trưởng mới nhằm mục đích biến EU thành một xã hội công bằng và thịnh vượng, với một nền kinh tế hiện đại, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và cạnh tranh, nơi không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050 và nơi tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên. Thỏa thuận xanh cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường. |