Việt Nam đã khẳng định thông điệp coi hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt đối với hòa bình và thịnh vượng bền vững cho mọi người dân thế giới. (Nguồn: QT) |
Vì "tương lai chúng ta muốn"
Sáng 22/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi tới phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ), sự kiện mở màn cho Tuần lễ cấp cao khóa 75 Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ.
Khóa họp ĐHĐ năm nay đánh dấu 43 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên LHQ (20/9/1977) nhằm thực hiện đường lối ngoại giao đa phương, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng đang trong nhiệm kỳ thứ hai đảm đương cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Bởi vậy, thông điệp của lãnh đạo Việt Nam lần này trước ĐHĐ như lời tái khẳng định cam kết của một thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia và đồng hành cùng LHQ trong việc xử lý các thách thức toàn cầu.
Năm nay, các sự kiện trong khuôn khổ khóa 75 ĐHĐ LHQ diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi thế giới phải đương đầu với một thách thức được coi là chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai - đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng cả thế kỷ mới xảy ra một lần.
Trong lịch sử hiện đại, có thể nói chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với một vấn đề an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng lớn, khó kiểm soát cả về phạm vi lẫn quy mô như đại dịch Covid-19. Không chỉ khiến LHQ phải tạm thời đóng cửa trụ sở ở New York (Mỹ) trong 3 tháng, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều sự kiện trong khóa họp 75 này diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Bên cạnh những thách thức như bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu đang đe dọa nền hòa bình và phát triển bền vững của các dân tộc, đại dịch Covid-19 đang trở thành một thách thức toàn cầu lớn nhất trong lịch sử LHQ. Trong bối cảnh đó, khóa họp ĐHĐ LHQ năm nay là cơ hội để cộng đồng quốc tế khẳng định lại vai trò hết sức quan trọng của LHQ trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu.
Tại Phiên kỷ niệm cấp cao 75 năm thành lập, diễn ra ngày 21/9, ĐHĐ LHQ đã ra tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19 không chỉ gây nên sự chết chóc, với gần 1 triệu ca tử vong trong số 31,4 triệu ca mắc bệnh, mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng.
Tuyên bố nhấn mạnh các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn. Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương”, phiên họp khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế, với vai trò điều phối trung tâm của LHQ, để vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ như hiện nay.
Đó cũng là tinh thần của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Việt Nam theo đuổi suốt 75 năm kể từ khi trở thành một nước độc lập với sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945, cũng như sau 43 năm trở thành thành viên LHQ - tổ chức toàn cầu được xem là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế
Thông qua sự tham gia và đóng góp tích cực, chủ động vào các hoạt động của LHQ và ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Việt Nam đã khẳng định thông điệp coi hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt đối với hòa bình và thịnh vượng bền vững cho mọi người dân trên thế giới, đặc biệt khi tương lai của Việt Nam song hành với hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Như đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres "Việt Nam là một đối tác mạnh của LHQ", bởi Việt Nam đã tham gia rất tích cực các hoạt động của LHQ ngay từ những ngày đầu và ngày càng đóng góp nhiều hơn. Đơn cử như trong lĩnh vực phát triển, được xem là một trong những thành tựu to lớn của LHQ sau 75 năm thành lập với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam không những tham gia trong lĩnh vực này, mà còn được LHQ nhắc đến nhiều lần là “hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh” và trở thành một nước có thu nhập trung bình. |
Nhất là trong năm nay, khi lần thứ hai đảm đương cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần hợp tác đa phương trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên mà Việt Nam thúc đẩy. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Hội đồng Bảo an có thông điệp chính trị mạnh mẽ, thống nhất về vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia đồng chủ trì Cuộc họp không chính thức về khí hậu và các nguy cơ an ninh, ngày 22/4, cũng như cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về biến đổi khí hậu và an ninh, ngày 24/7.
Trong các phiên thảo luận, và trong quá trình thương lượng văn kiện, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp các nội dung thuộc quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển, các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này; bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước thách thức của đại dịch Covid-19, trong hơn 9 tháng qua, Việt Nam đã vượt lên khó khăn, cùng các ủy viên khác thích nghi với tình trạng bình thường mới khi vận hành bộ máy thông qua hình thực trực tuyến và áp dụng một số biện pháp tạm thời về cơ chế tham vấn, thương lượng và bỏ phiếu nghị quyết từ xa.
Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình.
Hơn thế nữa, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực, quốc tế và giới truyền thông.
Trong công tác chống dịch Covid-19, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc thảo luận, nỗ lực tìm tiếng nói chung, có những sáng kiến thúc đẩy hành động chung nhằm kiểm soát dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, trên tinh thần coi công tác phòng chống đại dịch toàn cầu là một cơ hội để tăng cường hợp tác quốc tế và sự thống nhất trong hệ thống LHQ.
Thông qua việc chủ động tham gia tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, đồng hành cùng tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh ứng phó với mọi thách thức toàn cầu trong quá trình phát triển, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá Việt Nam đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
| 8 tháng tại Hội đồng Bảo an LHQ của Việt Nam: Hành trình nhiều dấu ấn quan trọng, đáng tự hào TGVN. Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc ... |
| 75 năm Liên hợp quốc: Vượt qua thăng trầm, trở thành tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới TGVN. Sau 75 năm tồn tại và phát triển, Liên hợp quốc (LHQ) đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, còn khiếm khuyết ... |
| Việt Nam - thành viên tin cậy, chủ động, trách nhiệm của Liên hợp quốc TGVN. Việt Nam từ một nước nhỏ đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục ... |