Nhỏ Bình thường Lớn

Việt Nam – Hà Lan: Mối quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả

40 năm trước, Việt Nam và Hà Lan đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Và nay là thời kỳ quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đáng mừng nhất trong lịch sử hơn 400 năm quan hệ kể từ cuộc tiếp xúc đầu tiên năm 1601 tại thương cảng quốc tế Hội An (Việt Nam). Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan, ông Huỳnh Minh Chính, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan đã trả lời phỏng vấn Báo Thế Giới & Việt Nam.
Ảnh minh họa.


Năm 2013 là năm hai nước Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ cho biết một số nét chính trong quá trình hợp tác và phát triển quan hệ giữa hai nước?

Việt Nam luôn ghi nhớ nhân dân Hà Lan từng xuống đường biểu tình trong những năm 1960-70 ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình của nhân dân Việt Nam. Hà Lan cũng đón nhận, giúp đỡ nhiều người Việt Nam đến định cư tại đất nước này, tạo thành cộng đồng người Việt khoảng 19.000 người hiện hòa nhập tốt với nước sở tại, cần cù lao động, học tập, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hà Lan cũng như luôn hướng về cội nguồn, làm cầu nối phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Quan hệ chính trị - ngoại giao hai nước phát triển tốt đẹp, thể hiện qua việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao, nổi bật là các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Wim Kok năm 1995, Thái tử Hà Lan Willem Alexander và Công nương Maxima năm 2005 và 2011, chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2001 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2011. Tuyên bố chung hai nước làm tại La Hay, Hà Lan ngày 1/10/2011 cũng nêu rõ: “Hai bên hoan nghênh những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan và nhất trí cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng và dịch vụ hậu cần. Hai bên cũng nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác tiềm năng sang các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm”. Quan hệ hai nước còn được ghi nhận thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực quan trọng. Năm 2010, hai bên đã ký kết Hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đang xem xét hình thành quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp và kinh tế biển (cảng biển, đóng tàu, thương mại hàng hải). Hai bên cũng tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế như LHQ, ASEM, ASEAN-EU…

Viện trợ phát triển của Hà Lan đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng và phát triển Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nhân đạo, quản lý nước, y tế, giáo dục, môi trường, hành chính công. Hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hà Lan được coi là một “mô hình thành công”, không những hỗ trợ phát triển mà còn giúp tạo tiền đề cho việc hai nước bước qua giai đoạn mới hợp tác kinh tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Điểm sáng và là trụ cột trong quan hệ hai nước là sự phát triển hiệu quả của hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại song phương. Trong 20 năm trở lại đây, Hà Lan luôn là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 163 dự án, tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD và là một trong những đối tác thương mại châu Âu hàng đầu Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 3,2 tỷ USD năm 2012. Hà Lan đang thực sự phát huy vai trò là “cửa ngõ” vào châu Âu của Việt Nam với khoảng trên 100.000 container hàng hóa/năm đi qua Cảng biển Rotterdam đến Hà Lan và tỏa ra nhiều nước châu Âu khác. Hà Lan hiện có sự hiện diện kinh tế, thương mại mạnh mẽ, có cộng đồng doanh nhân Hà Lan đông đảo tại Việt Nam và hầu hết các doanh nghiệp Hà Lan đều hoạt động thành công tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hợp tác tốt với các doanh nghiệp Hà Lan, mong muốn mở rộng hợp tác, trong đó có việc vươn ra thị trường Hà Lan và châu Âu. Hai bên cũng có sự hợp tác tốt trong việc xây dựng, ký kết các thỏa thuận kinh tế giữa Việt Nam và EU như hiệp định về đối tác và hợp tác PCA và mậu dịch tự do FTA.

Hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước cũng ngày càng phát triển, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam được Hà Lan biết đến như là đất nước thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, ý chí độc lập tự cường và quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế mạnh mẽ, người dân thân thiện, dễ gần, có nhiều món ăn ngon. Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của người du lịch Hà Lan. Đến Việt Nam, người Hà Lan có thể cảm nhận như đang ở nhà vì bắt gặp nhiều sản phẩm Hà Lan thông dụng như buổi sáng có thể sử dụng sản phẩm của Unilever và uống sữa Cô gái Hà Lan, trong ngày chạy xe bằng xăng dầu Shell, buổi chiều lại thưởng thức bia Heineken và buổi tối ngồi xem tivi Philips và nhất là cùng chia sẻ đam mê bóng đá với người Việt. Ngược lại, ở Hà Lan, người ta cũng có thể bắt gặp nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” như hàng dệt may, giày dép, tôm cá…, Việt Nam đang nổi lên là thị trường và đối tác ưu tiên, hấp dẫn, có hiệu quả của Hà Lan.

Thưa Đại sứ, điều gì đã giúp cho hai nước có được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp như vậy trong thời gian qua, và hai bên cần làm gì để tăng cường hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới?

Có rất nhiều lý do, trong đó có thể kể đến các điểm chung về địa lý, lịch sử, kinh tế và sự tôn trọng, thiện cảm của người dân với nhau. Cả Hà Lan và Việt Nam đều có vị trí địa lý nằm trên tuyến giao thông chiến lược, là “cửa ngõ” của mỗi khu vực liên quan. Hai nước đều chịu nhiều ảnh hưởng của sông nước và sự biến đổi khí hậu, đều là quốc gia biển và có nền kinh tế nông nghiệp. Người dân hai bên chia sẻ lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập, chống chọi với lũ lụt và đều cần cù, chịu khó, sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung, quyết tâm vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.

Hà Lan là đất nước đồng bằng ngập nước, diện tích nhỏ khoảng 41.500 km2, dân số khoảng 16,7 triệu, tương tự như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhưng là quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ cao, là một cường quốc về kinh tế và thương mại quốc tế. Hà Lan là nền kinh tế thứ 6 của EU với GDP đạt 607 tỷ euro/năm (789 tỷ USD); bình quân đầu người đứng thứ 2 EU, chỉ sau Luxemburg, khoảng 42.000 USD/người/năm; là nước xuất khẩu đứng thứ 5 trên thế giới, khoảng 637 tỷ USD, trong đó là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới về nông nghiêp, thực phẩm chỉ sau Mỹ, đạt khoảng 94 tỷ USD/năm; nhập khẩu đứng thứ 7 trên thế giới, đạt khoảng 600 tỷ USD/năm; là nhà đầu tư ra nước ngoài và cũng là nhà thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 9 trên thế giới với tổng đầu tư ra nước ngoài là 943 tỷ USD, tổng thu hút đầu tư nước ngoài là 589 tỷ USD. Ở Hà Lan rất thịnh hành mô hình công ty gia đình, công ty vừa và nhỏ có trình độ khoa học công nghệ và quản lý cao, đồng thời cũng có nhiều tập đoàn nhà nước lớn được quản lý tốt và có hiệu quả. Về phần mình, Việt Nam đang là một thị trường mới nổi cởi mở, có tốc độ phát triển và tăng trưởng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, có nguồn nhân lực trẻ, năng động được phía Hà Lan xác định là đối tác hợp tác ưu tiên trong xu thế mở rộng hợp tác với châu Á của mình. Có thể thấy, Hà Lan là mô hình phát triển kinh tế thích hợp cho Việt Nam nghiên cứu, học tập và ứng dụng. Thêm vào đó, trên lục địa châu Âu, duy nhất chỉ có ở Hà Lan là tiếng Anh phổ cập rộng rãi, thuận lợi trong giao lưu, học tập và làm kinh tế.

Trên cơ sở vận dụng các thế mạnh của nhau, giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác, đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, hướng tới một sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Trước hết, hai bên cần triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, thỏa thuận hợp tác về năng lượng và dầu khí, xây dựng và triển khai quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên khác là nông nghiệp, kinh tế biển, giao vận hậu cần. Qua đó góp phần hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển mạnh kinh tế biển và dịch vụ ở Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao của khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội vươn ra hợp tác đầu tư tại Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung để phát triển kinh doanh, nắm bắt trình độ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý đầu nguồn về áp dụng tại quê nhà.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Hà Lan có nhiều cơ hội và điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.


Xin cảm ơn Đại sứ!

Khánh Nguyễn (thực hiện)