Đề án trên được thực hiện từ năm 2014 - 2020 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di sản địa chất gồm: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang.
Đề án sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất và phát triển, quản lý công viên địa chất; hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất; tăng cường hợp tác quốc tế.
Mục tiêu của Đề án là bảo tồn, sử dụng hợp lý các di sản địa chất, quản lý và phát triển bền vững mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam với các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 nghiên cứu, đánh giá tổng quan (tỷ lệ 1/200.000) và chi tiết (tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000) di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 25 - 30 khu vực ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Theo đó, Đề án xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận 5 - 7 công viên địa chất quốc gia; trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận 2 - 3 công viên địa chất toàn cầu. Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam tiếp tục mở rộng mạng lưới các công viên địa chất quốc gia và công viên địa chất toàn cầu trên phạm vi cả nước và phấn đấu công nhận khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu.
PV