📞

Việt Nam-Indonesia: Tình hữu nghị ‘muôn thu vững bền’

PHẠM VINH QUANG 10:52 | 30/12/2020
TGVN. Việt Nam-Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nước xa mà lòng không xa

Thật là bầu bạn, thật là anh em.

Đây là hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tặng Tổng thống Indonesia Sukarno nhân dịp ông thăm Việt Nam (1959). Hai câu thơ tuy giản dị nhưng đã thể hiện được trọn vẹn tình hữu nghị thân thiết đặc biệt giữa Việt Nam và Indonesia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Indonesia năm 1959.

Tình bạn giữa hai nhà lập quốc

Người đặt nền móng cho tình hữu nghị hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến thăm lịch sử của Bác tới Indonesia tháng 3/1959 là chuyến thăm nước Đông Nam Á đầu tiên của Người sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Trong chuyến thăm, Bác đã kết nghĩa anh em với Tổng thống Sukarno, và ba tháng sau đó ông Sukarno đã tới thăm Việt Nam. Ngay khi bước chân xuống sân bay, ông đã reo lên: “Xin chào người anh cả của tôi” và dang tay ôm Bác…

Giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno không chỉ là quan hệ giữa hai nguyên thủ, mà còn là giữa hai nhà dân tộc chung lý tưởng đấu tranh vì độc lập, tự do cho đất nước, giữa hai nhà tư tưởng lớn đồng chí hướng của thời đại.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng, tình bạn giữa hai nhà lập quốc có ý nghĩa chiến lược và là nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 60 năm qua. Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar thì cho rằng, tình bạn giữa hai nhà lãnh tụ không chỉ dựa trên lợi ích chung giữa hai quốc gia, mà còn cùng chia sẻ tầm nhìn về thế giới và những vấn đề thời đại khi đó.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Indonesia luôn là những người bạn thuỷ chung, son sắt. Hai mươi vạn người ở thành phố Solo và hơn chín vạn học sinh, sinh viên ở thành phố Semarang từng xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ và Indonesia đã luôn sát cánh bên Việt Nam, cho Việt Nam vay hàng ngàn tấn lương thực.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi nước ta còn gặp nhiều khó khăn, Indonesia đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Việt Nam. Khi nước ta bị bao vây, cấm vận, Indonesia là nước đi đầu thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN với các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Đến những năm 1990, Indonesia là nước đầu tiên trong ASEAN có nguyên thủ thăm Việt Nam (kể từ năm 1975). Năm 1998, khi kinh tế Indonesia suy thoái, Việt Nam cũng tích cực hỗ trợ bạn các mặt hàng thiết yếu.

Quan hệ hữu nghị đặc biệt này đã được tiếp nối và phát triển với việc năm 2003, bà Megawati Sukarnoputri, con gái Tổng thống Sukarno, sang thăm Việt Nam, và ký Hiệp định quan hệ Đối tác toàn diện. Tháng 9/2011 trong chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược. Hai năm sau, trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược (6/2013).

Và lịch sử quan hệ Việt Nam - Indonesia còn được chứng kiến chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (22 - 24/8/2017), chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các chuyến thăm cấp cao đã tạo những chuyển biến to lớn, sâu sắc trong quan hệ song phương. Đến nay, Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại Đông Nam Á, Indonesia là đối tác có vị trí chiến lược quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia vào tháng 8/2017.

Sự góp sức của nhiều thế hệ

Để có được mối quan hệ tốt đẹp với những bước phát triển ngày hôm nay phải đề cập đến sự góp sức của rất nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao ở trong nước cũng như tại Cơ quan đại điện, những người đã đóng góp trực tiếp, đặt những viên gạch đầu tiên cũng như dày công vun đắp cho đến ngày hôm nay.

Những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử đã tạo nền tảng bền vững cho mối quan hệ hữu nghị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Indonesia. Trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1955, Bác đã đi thăm nhiều thành phố lớn, đại diện cho các dân tộc, văn hóa khác nhau của Indonesia như Thủ đô Jakarta, thành phố Bangdung, cố đô Yogyakarta, đảo Bali...

Đi đến đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận được sự đón mừng nồng nhiệt, chân tình, gần gũi, như đối với những người thân trong gia đình và được trìu mến gọi là “Paman Ho”, nghĩa là “Bác Hồ”.

Các thế hệ ngoại giao Việt Nam ở Indonesia luôn ghi nhớ cách tiếp cận văn hóa đi vào lòng người của Bác Hồ và bao giờ cũng thiết lập mối quan hệ gần gũi với các địa phương, vùng miền của Indonesia.

Trong văn hóa, người dân Indonesia luôn coi trọng tình nghĩa, sự chung thuỷ và giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc hoạn nạn. Và các thế hệ ngoại giao Việt Nam luôn thúc đẩy và đóng góp vào những thời điểm quan trọng của quan hệ hai nước.

Đó là việc Indonesia tham gia Ủy ban Giám sát Quốc tế sau Hội nghị Paris 1973, tổ chức những Cuộc gặp không chính thức Jakarta tại diễn đàn đối thoại giữa hai nhóm nước Ðông Dương và ASEAN tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Đó là những lúc khi đất nước ta mới mở cửa, gặp nhiều khó khăn thì đã vận động Indonesia hỗ trợ nhu yếu phẩm, cũng như mời được Indonesia là nước đầu tiên của Đông Nam Á có đầu tư vào Việt Nam.

Đó là việc ta đã hỗ trợ bạn lương thực khi Indonesia gặp khủng hoảng năm 1998-1999, và có đồng chí Đại sứ của ta được đích thân Tổng thống bạn gặp đặt vấn đề và cử trực thăng riêng đưa đi các địa phương trao đổi về việc hàng đổi hàng.

Đó là công sức của nhiều thế hệ ngoại giao thời kỳ Đổi mới đã xây dựng hàng loạt văn kiện, tạo nền tảng và khung pháp lý cho sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác nhiều mặt ngày nay.

Cũng cần đề cập tính đặc thù và những khó khăn riêng của các cán bộ ngoại giao tại địa bàn Indonesia. Là nước nằm trọn trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có khoảng 150 núi lửa, trong đó khoảng 120 núi lửa đang hoạt động, hàng năm xảy ra hàng chục trận động đất lớn nhỏ cùng với dư chấn và các đợt sóng thần. Indonesia là đất nước rộng lớn với 18.000 hòn đảo khác nhau, đi bằng máy bay từ đầu này đến đầu kia đất nước là 13 tiếng.

Có lần cán bộ ngoại giao của ta đã bay hai tiếng đồng hồ đến một hòn đảo có sân bay, sau đó phải đi tiếp 14 tiếng nữa bằng tàu biển mới đến được một hòn đảo khác để thực hiện thăm lãnh sự ngư dân ta bị tạm giữ. Không thể kể hết những nỗi vất vả này và chính vì thế Đại sứ quán đã nhiều lần được nhận Bằng khen Thủ tướng trong công tác bảo hộ công dân.

Ở Indonesia có hơn 700 thứ tiếng, ngôn ngữ chính thức là tiếng Indonesia nhưng hầu hết người dân đều nói tiếng địa phương. Rào cản ngôn ngữ, cùng sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tôn giáo của Indonesia khiến cán bộ ngoại giao luôn ý thức phải hiểu về văn hóa và tự học tiếng Indonesia để phục vụ công việc tốt hơn.

Ngoại giao ẩm thực cũng được phát huy để hỗ trợ cho việc xây dựng mạng lưới bạn bè thân thiết tại nhiều địa phương lớn của Indonesia thông qua Nhóm “Những người bạn của Việt Nam” (lập năm 2018) gồm quan chức cao cấp của Indonesia, những người yêu văn hóa, yêu ẩm thực Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ, tư vấn cho nhau cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác.

Nhờ ngoại giao ẩm thực, nhiều nhiệm vụ “hóc búa” đã được hoàn thành, như khai thông bế tắc thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); vận động các đối tác trong vấn đề Biển Đông; làm tốt công tác bảo hộ công dân, đưa hàng nghìn lượt ngư dân về nước an toàn, mở thêm đường bay thẳng Việt Nam-Indonesia…

Các thế hệ cán bộ ngoại giao tại Indonesia luôn nhắc nhở nhau dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải hết sức mình đóng góp vào công tác đối ngoại chung, củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ chiến lược được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, mối quan hệ truyền thống này sẽ phát triển tốt đẹp, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, đóng góp xứng đáng cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Lặng nghe lời nói như ru

Tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)