Lý do nào khiến Zamil Steel tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
Trước hết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực với mức tăng trưởng GDP trung bình 7,5% trước đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, mặc dù nhiều nền kinh tế lớn đều giảm mạnh tăng trưởng do tác động tiêu cực của đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 2,91%.
Về trung và dài hạn, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và đưa tốc độ tăng trưởng trở lại 7,5%, thậm chí cao hơn trong những năm tới.
Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ngay tại khu vực trung tâm Đông Nam Á và được bao quanh bởi nhiều nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã tham gia nhiều hiệp định đối tác quốc tế và khu vực, trong đó có một số hiệp định được công bố gần đây như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Ông Krishnakanth Kodukula - Tổng Giám đốc Zamil Steel Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mà Zamil Steel là một ví dụ điển hình.
Chúng tôi đặc biệt coi Việt Nam là cửa ngõ để tiếp cận khu vực châu Á - Thái Bình Dương và luôn tin tưởng vào sự phát triển của thị trường.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam có sự ổn định về chính trị - xã hội, cùng với sự tham gia tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển lực lượng lao động chất lượng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Zamil Steel đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1997 và chúng tôi đã nhận thấy những thay đổi tích cực này qua từng năm trong hơn hai thập niên qua.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường Việt Nam vì thế luôn đóng vai trò chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh doanh toàn cầu của Zamil Steel.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh triển khai nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh... để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến tích cực này?
Tôi cho rằng những biện pháp này đang có tác động hiệu quả trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhân công chi phí hợp lý, nhiều lĩnh vực tiềm năng và một thị trường tiêu dùng đang bùng nổ. Những lợi thế này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, những điều kiện này sẽ không được tận dụng triệt để nếu không có những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã thấy nhiều nghị quyết và kế hoạch hành động tích cực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, ví dụ như: sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hay tích cực tham gia đàm phán nhiều hiệp định đối tác chiến lược quốc tế. Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc thảo luận và đối thoại giữa Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thảo luận về các vấn đề lập pháp quan trọng.
Trong hai năm 2020 và 2021, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy yếu mạnh và kinh tế giảm sút ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch bùng phát bằng gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa bao gồm nhiều loại thuế, các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc làm và các gói kích thích kinh tế.
Tất cả những hành động nhanh chóng và kịp thời này của Chính phủ Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư và duy trì được dòng vốn FDI cho nhiều lĩnh vực quan trọng như sản xuất, công nghệ cao và ngành hàng tiêu dùng.
| Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Trung Đông Ngày 26/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo trực tuyến về 'Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm ... |
Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao. Vậy điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam như thế nào? Và Zamil Steel sẽ tận dụng những cơ hội này ra sao?
Tôi tin rằng những hiệp định này sẽ tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển và chuyển dần từ việc xuất khẩu các hàng hóa sơ cấp với hàm lượng công nghệ thấp sang các sản phẩm phức tạp với hàm lượng công nghệ cao hơn như điện thoại di động, ô tô hoặc linh kiện điện tử.
Với việc nhập khẩu rẻ hơn từ các nước đối tác, Việt Nam sẽ tiếp cận được mạng lưới thương mại lớn hơn với nguồn cung đa dạng và điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ hỗ trợ Việt Nam từng bước xây dựng phương thức kinh doanh thông minh và tập trung vào sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Mặt khác, việc dỡ bỏ một số rào cản thương mại sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam thu hút nhiều vốn FDI từ các nước đối tác.
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định được ký kết với ASEAN và các nước thành viên G20, và điều này đã mở ra triển vọng hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.
Zamil Steel cũng nằm trong số các doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng FDI mới vào Việt Nam và chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Australia và Trung Đông chọn Việt Nam làm cơ sở để mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Á.
Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ rõ ràng hơn khi đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu và nhiều thỏa thuận mới được ký kết và thực thi.
Nhà máy của Zamil Steel tại Khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội. (Nguồn: Zamil Steel Việt Nam) |
Có ý kiến cho rằng xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội mới khi nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới dịch chuyển sản xuất ra các nước khác ngoài Trung Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?
Có rất nhiều cơ hội ở phía trước khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với nhiều công ty công nghệ và tập đoàn đa quốc gia dự định chuyển giao dây chuyền sản xuất sang Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho các dòng vốn FDI mới thông qua việc cải cách thể chế, thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng, nâng cấp và củng cố hệ thống luật pháp, tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các thông lệ để cải thiện năng lực quản lý và điều hành thị trường, các biện pháp đó đã cho thấy hiệu quả và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư ổn định, tăng trưởng nhanh cho các nhà đầu tư quốc tế.
Đại dịch Covid-19 và bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu đang thay đổi cũng đóng một vai trò quan trọng trong quyết định di dời cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, thách thức đối với Việt Nam cũng không hề nhỏ. Chúng ta đang chứng kiến chuỗi cung ứng với quy mô toàn cầu đang dần được hoàn thiện tại Việt Nam với sự hiện diện của ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia.
Tuy nhiên nguồn cung nguyên liệu thô trong nước vẫn cần một chặng đường dài phát triển để có thể so với Trung Quốc và cơ sở hạ tầng cũng cần được nâng cấp để xử lý những thay đổi trên quy mô lớn.
Ngoài ra, việc chi phí nhân công ngày càng tăng cao so với các nước láng giềng như Bangladesh, Philippines và Ấn Độ cùng chiến lược thu hút đầu tư của các quốc gia này cũng có thể tác động đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, vì vậy Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ và có chiến lược toàn diện để đối phó với những thách thức này.
Tin liên quan |
Hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Biến cơ hội thành kết quả đầu tư cụ thể |
Ông nhận định thế nào về sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Đông đến thị trường Việt Nam?
Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác và thương mại song phương giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông có nhiều triển vọng. UAE, Saudi Arabia, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tích cực trong mối quan hệ thương mại đối tác chiến lược này.
Các mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, nông sản, thực phẩm và đồ gia dụng đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Đông, trong khi ở chiều ngược lại, khí hóa lỏng, các sản phẩm hóa chất và kim loại cơ bản nhập khẩu từ UAE, Saudi Arabia, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng đã trở thành những mặt hàng nhập khẩu phổ biến của Việt Nam.
Về đầu tư, chúng tôi cho rằng xu hướng này mới bắt đầu và có nhiều cơ hội để Việt Nam xúc tiến hợp tác đầu tư với khu vực Trung Đông trong những năm tới. Chúng tôi quan sát thấy trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Đông đang thể hiện sự quan tâm đến một số lĩnh vực tại Việt Nam như dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất và phân bón, sản xuất hàng dệt may và các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.
Đối với các doanh nghiệp này, Việt Nam không chỉ là một trung tâm sản xuất thịnh vượng, một cơ sở lý tưởng để vươn ra châu Á-Thái Bình Dương, mà còn là một thị trường sôi động, đầy hứa hẹn với nhu cầu tiêu dùng cao.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch tương lai của Zamil Steel tại Việt Nam?
Năm 2021 đánh dấu 24 năm hoạt động của Zamil Steel tại Việt Nam, và quốc gia này luôn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh doanh toàn cầu của Zamil Steel ngay từ những ngày đầu thành lập.
Hiện nay, chúng tôi đã có hai nhà máy hiện đại tại Việt Nam với công suất 114.000 tấn kết cấu thép mỗi năm, đưa Zamil Steel trở thành một trong những nhà cung cấp kết cấu thép hàng đầu trong nước.
Chúng tôi có gần 1.000 nhân viên, vận hành 13 văn phòng đại diện và chi nhánh trong khu vực ASEAN và đã cung cấp thành công hơn 6.000 công trình nhà thép cho khách hàng trên toàn cầu. Những thành tựu này không phải là kết quả của một kế hoạch đầu tư ngắn hạn, mà là tầm nhìn của gần ba thập niên.
Zamil Steel là một trong những nhà cung cấp kết cấu thép hàng đầu tại Việt Nam. (Nguồn: Zamil Steel Việt Nam) |
Kể từ khi xuất khẩu nhà thép đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1993, Zamil Steel luôn coi sứ mệnh của mình là hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chúng tôi đã làm như vậy trong hơn hai thập niên qua và sẽ tiếp tục mang đến sự hoàn hảo cho khách hàng trong những năm tới với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng.
Trong năm 2020, Zamil Steel Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào máy móc và hệ thống vận hành để cải thiện quy trình làm việc và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giúp nâng cao năng lực sản xuất của hai nhà máy.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực phát triển một số sản phẩm mới và các dịch vụ giá trị gia tăng để hỗ trợ khách hàng. Với sự đầu tư như vậy, chúng tôi mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cũng như củng cố hơn nữa vị thế của Zamil Steel tại Đông Nam Á.
Xin cảm ơn ông!
| Zamil Steel Việt Nam sẽ cung cấp nhà thép tiền chế cho Texhong Việt Nam Zamil Steel Việt Nam lần thứ ba được lựa chọn là nhà cung cấp cho dự án giai đoạn 3, Nhà máy Dệt Texhong tại ... |
| Zamil Steel mở rộng sản xuất tại Việt Nam Ngày 23/4/2008, nhà máy sản xuất thép tiền chế thứ 2 của Zamil Steel Vietnam đã được khánh thành tại khu Công nghiệp Amata, Đồng ... |