TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam chính thức thông qua “hiệp định thế kỷ” CPTPP | |
Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam tối ưu hóa lợi ích khi tham gia CPTPP |
Hiệp định CPTPP là gì?
CPTPP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại châu Á-TBD, đã được ký kết ngày 8/3/2018 tại Chile. Tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, sau khi Mỹ rút khỏi TPP đầu năm 2017, 11 thành viên còn lại là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam, vẫn nỗ lực đàm phán, tiến tới ký kết CPTPP.
Theo Reuters, CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Đại diện 11 nước thành viên ký kết CPTPP tại Chile, ngày 8/3/2018. (Nguồn: Reuters) |
Cũng như TPP, CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công… Ngoài ra, CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ.
Về thị trường, các nước CPTPP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình...; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng các nước thành viên.
4 khác biệt lớn
Có thể nói, CPTPP là nỗ lực của 11 nền kinh tế do Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới” sau sự rút lui của Mỹ.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP. Song trong 8.000 trang tài liệu của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với TPP.
Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hồi tháng 3/2018 cho thấy, đối với Việt Nam, nếu tính đến lợi ích trực tiếp và gián tiếp, CPTPP có thể giúp GDP tăng 3,6% so với mức trên 6% của TPP. Phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi. Điển hình như dệt may, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt từ 8,3% đến 10,8%. Đặc biệt, trong ngành da giày, Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh trong các nước CPTPP, do đó cơ hội tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Chile, Australia, New Zealand, Canada… là rất lớn. |
Thứ nhất là thay đổi về tên gọi. CPTPP đã bổ sung 2 từ “Toàn diện” và “Tiến bộ” vào tên gọi chính thức. Sự bổ sung này thể hiện tính đồng thuận cao trong các nước tham gia đàm phán, khẳng định tầm vóc, chất lượng và ý nghĩa của CPTPP – một hiệp định có tính tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết.
Thứ hai là số lượng thành viên trong CPTPP còn 11 nước, với quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, thấp hơn nhiều so với quy mô của TPP khi có Mỹ (38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu). Mặc dù Mỹ rời khỏi, nhưng quy mô của CPTPP vẫn khá lớn và bao hàm một số thị trường quan trọng với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… trong khi gánh nặng thực thi các điều khoản đã giảm đáng kể so với trước.
Thứ ba là thay đổi về hiệu lực. Theo quy định của TPP, để Hiệp định có hiệu lực thì tổng GDP các nước triển khai phải bằng 85% tổng GDP của 12 nước đã ký từ 2013. Như vậy, khi Mỹ, nước chiếm 60% GDP toàn khối, rút lui, thì 11 nước còn lại sẽ phải thay đổi điều khoản hiệu lực. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 nước thành viên ký phê chuẩn thì CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký. Cụ thể, ngày 31/10/2018, Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn CPTPP, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12 này. Ngoài ra, CPTPP còn bổ sung các quy định về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai, tạo tính linh hoạt của Hiệp định.
Chế biến thực phẩm là một trong các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP.(Nguồn: Vietnam News) |
Thứ tư là CPTPP có 20 nội dung bị tạm hoãn so với TPP, chủ yếu là các cam kết cứng rắn về sở hữu trí tuệ mà Mỹ là quốc gia đề xuất trước đây. Cụ thể, có 11/20 điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các điều khoản còn lại bị hoãn thuộc lĩnh vực đầu tư.
Như vậy, với một số điều chỉnh trong quy chế cùng sự nỗ lực của 11 nước tham gia đàm phán, TPP đã được “giải cứu”.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, CPTPP được coi là FTA lớn nhất gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam ở nhiều khía cạnh: chính trị-đối ngoại, kinh tế...
Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế.
Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP là dệt may, da giày, lắp ráp đồ điện tử, chế biến thực phẩm, đồ uống… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.
Từ TPP đến CPTPP - 2005: 4 thành viên là Chile, Singapore, Brunei và New Zealand ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP). - 2008: Mỹ, Australia, Peru và Việt Nam đàm phán mở rộng, đổi tên thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). - 2010: Malaysia tham gia. - 2012: Thêm Canada và Mexico tham gia đàm phán. - 2013: Nhật Bản trở thành thành viên thứ 12 của TPP. - 4/2/2016: TPP chính thức được ký kết tại Auckland, Australia. - 1/2017: Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP. - 5/2017: 11 thành viên còn lại tiếp tục tái khởi động TPP không có Mỹ, gọi tắt là TPP 11. - 11/2017: Các bên thông qua tên gọi mới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các tiêu chuẩn cao của TPP vẫn được duy trì trong CPTPP, để ngỏ khả năng Mỹ quay lại. - 8/3/2018: CPTPP chính thức được ký kết tại Santiago, Chile. - 31/12/2018: CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực. |
CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa cũng như đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc và chặt chẽ.
Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Mỹ không còn, nhưng thị trường các nước tham gia CPTPP vẫn có tầm quan trọng với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành/lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của CPTPP, ngay từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở bảo đảm cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam.
Sau khi CPTPP được ký kết, ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
Với sự chủ động của nhà nước, doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Tham gia CPTPP: Cơ hội nhiều hơn thách thức Sáng 05/11, thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ... |
Hiệp định CPTPP đã đến "đúng thời điểm" Canada West Foundation, tổ chức tư vấn có trụ sở ở thành phố Calgary của Canada, mới đây đã nhận định rằng Hiệp định Đối ... |
CPTPP tạo động lực tích cực cho hợp tác thương mại đa phương Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được “hồi sinh” sau khi Australia trở thành ... |