Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (Nhật Bản) Natsume cùng mẹ, bà Sachiko Natsume. |
Mẹ tôi nói rằng người Việt Nam tất cả đều hiền lành, dễ thương và thật chăm chỉ. Đặc biệt, hai lần gặp gỡ mọi người ở Bến Tre và bệnh viện Từ Dũ đến nay vẫn còn để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức của bà. Mẹ tôi đã cố gắng viết chữ “Tình hữu nghị Việt Nhật Sachiko Natsume 100 tuổi”, và làm thành ảnh để tặng cho mọi người.
Cuộc hội ngộ với Việt Nam
Năm 1992, tôi nhận được một lá thư từ ông Lê Huỳnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Trong thư, ông viết rằng Bến Tre là nơi bị bom đạn tàn phá, và dưới tác dụng của các chất hóa học, cây bị rụng lá, còn trẻ em bị hở môi và hàm ếch, nhưng địa phương không có bác sĩ chuyên môn điều trị, nên nhờ tôi giúp đỡ. Kể từ đó, năm nào tôi cũng tiến hành phẫu thuật miễn phí tại Bến Tre, tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình và nhiều địa phương khác.
Trong quá trình thực hiện chương trình phẫu thuật trả lại nụ cười cho trẻ em Việt Nam, lại có một vấn đề lớn khác phát sinh. Đó là căn bệnh ung thư xảy ra ở những người mẹ còn rất trẻ ngay sau khi sinh con, gọi là ung thư biểu mô màng đệm. Đây là một căn bệnh nguy hiểm bởi nó tước đi sinh mệnh của những người mẹ trẻ và để lại những đứa con bé bỏng, thơ dại.
Tôi đã cùng với các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh thiết lập và phổ cập hệ thống giám sát và xét nghiệm HCG - dấu ấn ung thư cho các bệnh nhân - một cách đơn giản và với chi phí thấp. Đây là hệ thống giám phòng ngừa ung thư biểu mô màng đệm giúp ngăn ngừa ung thư sau khi sinh của Giáo sư danh dự Yutaka Tomoda thuộc Khoa Sản, Đại học Nagoya, hiện nay, với sự hỗ trợ của Giáo sư Kajiyama Hiroaki và Tiến sĩ Yamamoto đã xác lập được hệ thống phòng ngừa ung thư biểu mô màng đệm lần đầu tiên ở Châu Á ngoài Nhật Bản.
Vai trò của Lãnh sự danh dự
Với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tôi đã được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya.
Là một chuyên gia y tế, giáo sư đại học và cũng là đại diện của các tổ chức phi lợi nhuận và hiệp hội học thuật, trên cường vị mới, tôi nỗ lực đóng góp, hoạt động toàn tâm toàn trí vì Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh gia đình các bé bị hở môi và hàm ếch được hỗ trợ phẫu thuật. |
Hiện có 49.000 người Việt Nam tại tỉnh Aichi nơi tôi sinh sống. Chúng tôi đã liên kết với cảnh sát để ngăn chặn các trường hợp phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Ngoài ra, tôi còn cung cấp sách học tiếng Nhật và tiếng Việt cho những người Việt đang bị giam giữ vì phạm tội tại Nhật Bản.
Tôi cũng tham gia vào tất cả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, tôi còn dự các cuộc trao đổi học thuật với tư cách là cố vấn cho hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và làm giáo sư thỉnh giảng, giáo sư danh dự tại Đại học Trà Vinh.
Tôi cũng đã được mời và tham dự Lễ ký kết thỏa thuận kết nghĩa giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Aichi, trung tâm vùng Tokai, nơi chiếm 2% GDP thế giới và là tỉnh công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.
Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã cung cấp nơi ở, thực phẩm và tiền cứu trợ cho du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản và các thực tập sinh kỹ năng, với sự hỗ trợ của chùa Tokurin.
Năm 2022, chúng tôi đã thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Aichi Gakuin để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước. Tại đây, có nhiều người Nhật học tiếng Việt và chúng tôi đã tổ chức các kỳ thi hùng biện dành cho người Nhật học tiếng Việt.
Việc hợp tác với Đại học Y Hà Nội được tôi xác định là nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi người dân Việt Nam được chăm sóc y tế chất lượng cao, qua việc soạn ra quy chế tổ chức kỳ thi quốc gia để tuyển chọn Bác sĩ nói chung và Bác sĩ răng hàm mặt (RHM) Việt Nam. Nếu như được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, quy chế này sẽ được áp dụng và trong tương lai Việt Nam sẽ có nhiều Bác sĩ nói chung và Bác sĩ RHM ưu tú hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn đang thúc đẩy các hoạt động giao lưu với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre.
Hướng tới các mốc kỷ niệm 50 năm, 100 năm
Người Việt Nam có tính chăm chỉ, nhiều người tin vào Phật giáo. Tôi nghĩ đây là điểm chung giữa người Việt Nam với người Nhật Bản.
Bên cạnh đó, đạo thờ ông bà cha mẹ của người Việt Nam cũng giống như văn hóa xem trọng cha mẹ và tổ tiên của người Nhật Bản.
Nhìn rộng ra trong mọi khía cạnh, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về những giá trị cơ bản. Hai bên cũng có sự tương đương về dân số và lãnh thổ để có thể xây dựng mối quan hệ bình đẳng, có thể coi như “anh em sinh đôi”.
Tôi tin rằng việc thắt chặt mối quan hệ bền vững giữa hai nước không chỉ vì lợi ích chung mà còn vì sự phát triển của nền kinh tế và an ninh của châu Á. Và đó là điều vô cùng quan trọng.
Để đạt được mục tiêu này, tôi tin rằng điều quan trọng không chỉ là tăng cường trao đổi giữa chính phủ hai nước mà còn phải xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa người dân hai bên.
Tôi mong rằng nhiều tỉnh, thành phố, thị xã ở Việt Nam và Nhật Bản sẽ thiết lập quan hệ hợp tác và thúc đẩy giao lưu để mỗi quốc gia cũng như từng cá nhân như tôi có thể coi Việt Nam và Nhật Bản như ngôi nhà thứ hai của mình.
Tôi cũng ước mơ rằng hai nước chúng ta sẽ có một mối quan hệ mà mỗi người dân đều có khoảng 10, và nếu có thể, 100 người bạn ở nước kia.
Tôi cũng lấy mẹ tôi làm mục tiêu - là sống lâu, khỏe mạnh trong 50 năm tới để có thể gửi thông điệp tới tất cả mọi người nhân kỷ niệm 100 năm của “Tình hữu nghị Nhật-Việt”.
* Bài viết đăng tải trong Đặc san 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Vươn tầm cao mới của Báo Thế giới & Việt Nam, phát hành tháng 10/2023.