Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao. |
Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ông Takehiko Nakao đã lãnh đạo ADB đạt được những thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời bày tỏ ủng hộ và mong muốn ông Takehiko Nakao tiếp tục tái cử làm Chủ tịch ADB nhiệm kỳ 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với ADB, coi ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn. Thủ tướng cảm ơn ADB đã tài trợ cho Việt Nam nhiều chương trình/dự án; khẳng định các chương trình/dự án này đã và đang phát huy hiệu quả.
“Chúng tôi mong muốn thời gian tới, ADB tiếp tục sẽ giành các nguồn vốn ưu đãi để Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách kinh tế và xóa đói, giảm nghèo”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện thiện các văn bản pháp lý, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và chỉ đạo quyết liệt để các nguồn tài trợ ODA nói chung và của ADB nói riêng phát huy tối đa hiệu quả.
Nêu rõ Việt Nam ủng hộ chiến lược 2030 của ADB, Thủ tướng đề nghị ADB cung cấp nguồn tài chính cho việc ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là đối phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các dự án phát triển hành lang đông tây tại khu vực miền Trung…
Về phần mình, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam trong hợp tác với ADB, bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kinh tế xã hội của nước ta, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch ADB cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn của ADB, khẳng định ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo… và các lĩnh vực ưu tiên khác (kiểm soát nợ xấu, thu ngân sách hiệu quả, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển tài chính ngân hàng và phát triển kinh tế tư nhân), bày tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tìm ra được những đối tác có thể thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác công tư.