Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (ngồi giữa, cạnh vị Chủ tịch Hội nghị) phát biểu tại Phiên Họp toàn thể của Hội nghị giải trừ quân bị (CD), Geneva ngày 5/3/2020 (Nguồn: Bộ Ngoại giao) |
Phát biểu tại Phiên thảo luận chung của HĐNQ về thúc đẩy và bảo vệ các quyền dân sự, xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu chia sẻ quan ngại chung về các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...; nhấn mạnh hợp tác quốc tế, nhất là thông qua các diễn đàn đa phương như HĐNQ, là cách hiệu quả để thực hiện các cam kết về thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; thông tin về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là việc ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện 241 khuyến nghị UPR chu kỳ 3 mà Việt Nam đã chấp thuận.
Tại Phiên thảo luận thường niên của HĐNQ về quyền của người khuyết tật, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Chính phủ Việt Nam dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho việc bảo đảm quyền của người khuyết tật, kiện toàn hệ thống pháp luật, và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tham gia đầy đủ và hiệu quả vào đời sống xã hội; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật cũng như lồng ghép vấn đề bảo đảm quyền của người khuyết tật trong các vấn đề quyền con người khác, đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng, chống bạo lực và phân biệt đối xử với các nhóm dễ tổn thương.
Tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 5/3, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải trừ toàn diện và triệt để các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân; nhấn mạnh Việt Nam đã tham gia tất cả các hiệp ước chủ chốt về giải trừ quân bị và đã có nhiều sáng kiến và đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động của CD, đặc biệt trong nhiệm kỳ Chủ tịch CD năm 2019; khẳng định với vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ dành ưu tiên cao cho vấn đề giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên CD và các đối tác khác vì hoà bình, an ninh khu vực và thế giới.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu gặp và làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom ngày 6/3. (Nguồn: Bộ Ngoại giao) |
Trong cuộc gặp và làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom ngày 6/3, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ to lớn của WHO cho ngành y tế Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ y tế ở các tuyến; thông báo các nỗ lực và biện pháp đồng bộ trong việc phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19; đề nghị WHO tiếp tục chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị y tế để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Tổng Giám đốc WHO đánh giá cao việc Việt Nam đã tiến hành ngay từ sớm nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các cam kết chính trị của Lãnh đạo cấp cao và sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và các địa phương, nhờ đó giúp kiểm soát dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO cho rằng sự phối hợp hiệu quả giữa các nước ASEAN, đặc biệt là với vai trò Chủ tịch tích cực của Việt Nam, cũng góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trong khu vực.
Ông Tedros Adhanom cho biết, đã khuyến nghị Liên minh châu Phi tham khảo mô hình phối hợp của ASEAN nhằm kiểm soát dịch tại châu Phi; cho biết tình hình diễn biến của dịch Covid-19 hiện rất phức tạp, đây là một chủng virus hoàn toàn mới, các nhà khoa học đang làm việc tích cực để phân tích về đặc tính của chủng virus này nhằm tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa, hiện chưa thể đánh giá được khi nào dịch bệnh được khống chế. Ông khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với các nước những thông tin, đánh giá và kết quả nghiên cứu liên quan đến Covid-19.