📞

Việt Nam-Thụy Sỹ: Biểu tượng cho quan hệ bền chặt vì hòa bình

Thu Trang 10:00 | 11/10/2021
Tháng 10/2021 đặc biệt ý nghĩa trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ (11/10/1971-11/10/2021). Đây là cơ hội để hai nước nhìn lại chặng đường tốt đẹp nửa thế kỷ qua, hướng tới tương lai với những triển vọng hợp tác mới.
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tháng 8/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber, quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ trải qua hành trình nửa thế kỷ đáng tự hào và sẽ tiếp tục thắt chặt vì mục tiêu chung là hòa bình và phồn vinh.

Thưa Đại sứ, quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam khởi đầu như thế nào? Đại sứ có thể đưa ra cái nhìn tổng quan về quan hệ giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua?

Quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ XIX khi các công ty thương mại của Thụy Sỹ như Diethelm và Biedermann đến Việt Nam. Những người Thụy Sỹ đầu tiên đến đây chủ yếu làm việc trong lĩnh vực thương mại, kỹ thuật và nông nghiệp.

Tiếp bước, nhà vi khuẩn học người Thụy Sỹ Alexandre Yersin sau khi phát hiện mầm gây bệnh dịch hạch tại Hong Kong (Trung Quốc), ông đã chuyển đến Việt Nam. Tại đây, ông trồng cây cao su và cây canh-ki-na, loại cây dùng để sản xuất thuốc trị sốt rét. Ông đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động khoa học và y tế, trong đó có việc sáng lập Đại học Y Hà Nội và Viện Pasteur Nha Trang.

Năm 1954, với tư cách là một quốc gia trung lập, Thụy Sỹ đã tổ chức Hội nghị Geneva, hội nghị quốc tế đầu tiên mà phái đoàn Việt Nam chính thức tham gia. Những trao đổi và kết nối ban đầu này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Năm 1971, Thụy Sỹ trở thành một trong các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Đại sứ quán Thụy Sỹ mở tại Hà Nội vào năm 1973.

Trong 50 năm qua, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Tháng Tám vừa qua, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm, ông Ignazio Cassis đã công bố gói viện trợ khẩn cấp trị giá 5 triệu Franc (126 tỷ đồng) để hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19.

Hành trình nửa thế kỷ quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ ghi dấu sự hợp tác phát triển liên tục cùng nhiều kết quả ấn tượng.

Hợp tác song phương ban đầu tập trung vào hợp tác phát triển và viện trợ nhân đạo. Trong suốt 30 năm qua, chính phủ Thụy Sỹ đã viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trên 600 triệu Franc (15 nghìn tỷ đồng) với mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam.

Hiện nay, Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua chương trình hợp tác phát triển.

Không dừng lại ở đó, hợp tác song phương còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm giáo dục, khoa học và đổi mới sáng tạo (Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ và đối tác Việt Nam là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia hỗ trợ các dự án hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu của Thụy Sỹ và Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau).

Đặc biệt, hai bên có mục tiêu chung là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và góp phần nâng cao sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Cả Thụy Sỹ và Việt Nam đều phụ thuộc vào hệ thống dựa trên quy tắc toàn cầu, bảo đảm rằng các quốc gia nhỏ có thể phát triển cùng với các cường quốc.

Đại sứ có thể chia sẻ thêm về những thành tựu và tiềm năng hợp tác trong lĩnh kinh tế, thương mại, đầu tư?

Nhìn vào tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Thụy Sỹ và Việt Nam chính là động lực và lĩnh vực hợp tác lớn nhất giữa hai nước và vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở cấp độ đầu tư.

Tính đến cuối năm 2020, đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam lên tới 2 tỷ Franc (50 nghìn tỷ đồng). Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam và giúp tạo ra 20.000 việc làm ở các lĩnh vực khác nhau như dịch vụ logistics, chế biến thức ăn, dược phẩm, xây dựng, công nghệ thông tin và sản xuất giày.

Theo Báo cáo Đầu tư ASEAN mới nhất, Thụy Sỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại ASEAN và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại ASEAN giai đoạn 2019-2020.

Tại Việt Nam, Thụy Sỹ là đối tác thương mại đứng thứ 19, do đó còn có nhiều tiềm năng để tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tôi tin rằng, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm bốn nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, được ký kết sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp Thụy Sỹ tìm hiểu về đất nước hình chữ S và xem đây là một thị trường thuận lợi và thú vị để kinh doanh.

Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đạt 3,2 tỷ Franc (80 nghìn tỷ đồng), giảm nhẹ so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Với dân số 8 triệu người, thị trường Thụy Sỹ tuy nhỏ nhưng Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn trong thương mại với Thụy Sỹ vì Việt Nam có thăng dư thương mại khá lớn. Thặng dư của Việt Nam năm 2019 và 2020 đạt hơn 2,1 tỷ Franc (51,2 nghìn tỷ đồng) mỗi năm.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Ivo Sieber chia sẻ với phóng viên. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Đại sứ, đâu là những lĩnh vực hợp tác song phương có nhiều hứa hẹn trong tương lai?

Hiện tại, phục hồi sau đại dịch Covid-19 là chủ đề được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm, bao gồm cả Việt Nam và Thụy Sỹ.

Ngoài ra, tính bền vững, bao gồm đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải đưa ra các cách thức sản xuất và tiêu dùng mới, chăm lo đến những người không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và tìm các cách thức để bao trùm tất cả, là những thách thức lớn và là chủ đề cần thảo luận giữa hai quốc gia.

Đơn cử như chính phủ Thụy Sỹ hiện cung cấp hỗ trợ cho khu vực sông Mekong nhằm đối phó với những thách thức cấp bách gây ra do biến đổi khí hậu. Cụ thể, chúng tôi đang đồng hành với Ủy hội sông Mekong và xây dựng dự án thích ứng toàn diện để giảm thiểu rủi ro ngập lụt tại khu vực lõi đô thị của Cần Thơ.

Bên cạnh đó, trao đổi về giáo dục và nghiên cứu, đổi mới và số hóa, cũng như hợp tác văn hóa, đều là những lĩnh vực đầy tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Thụy Sỹ hiện là ứng cử viên cho một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2023-2024 với khẩu hiệu “A Plus For Peace” (tạm dịch: Một điểm cộng cho hòa bình). Xin Đại sứ chia sẻ thêm về điều này?

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Ivo Sieber. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đây là một sự kiện quan trọng đối với Thụy Sỹ vì đây là lần đầu tiên chúng tôi ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ.

Với truyền thống trung lập và nhân đạo, Thụy Sỹ mong muốn đóng góp vào hòa bình thế giới. Vì vậy, nếu được bầu vào HĐBA LHQ, chúng tôi muốn đóng vai trò là “một điểm cộng cho hòa bình”, với chữ thập trắng trên quốc kỳ của chúng tôi đã tượng trưng cho “điểm cộng” này.

Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ tập trung mạnh mẽ vào các chủ đề như tuân thủ luật pháp quốc tế, đoàn kết với những người yếu thế và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.

Có thể thấy rõ ràng rằng Việt Nam, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ 2020-2021, cũng đã tập trung rất nhiều vào các chủ đề nhân đạo quốc tế và chúng tôi rất ấn tượng với điều đó. Thụy Sỹ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam và phát triển dựa trên những thành tựu của Việt Nam với tư cách là thành viên của HĐBA LHQ.

Tại Việt Nam, Thụy Sỹ tích cực tham gia việc thiết kế và xây dựng phòng Hội thảo mới của Học viện Ngoại giao. Chẳng bao lâu nữa, sẽ có một phòng hội thảo mới mang tên Geneva Conference Room tại Hà Nội, kết nối “thủ đô hòa bình” với thủ đô Hà Nội.

Cả Việt Nam và Thụy Sỹ vô cùng tự hào về sự hợp tác này. Phòng Hội thảo này được thiết kế và xây dựng để đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và sẽ trở thành biểu tượng cho mối quan hệ bền chặt của hai nước chúng ta.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ (11/10/1971-11/10/2021), chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ năm 2021 được tổ chức vào ngày 9/10 theo hình thức trực tuyến, tại ba điểm cầu: Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.