📞

Việt Nam-Thụy Sỹ: Tình hữu nghị bền chặt, quan hệ hợp tác tiềm năng

Thu Trang 10:32 | 11/10/2021
Theo Đại sứ Lê Linh Lan, dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ là dịp đặc biệt để kỷ niệm những thành tựu đạt được, đồng thời là cơ hội, xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ (11/10/1971-11/10/2021), Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp này và chỉ ra tầm nhìn hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Thưa Đại sứ, trong chặng đường 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam-Thụy Sỹ đã phát triển ra sao, có những điểm gì đáng chú ý?

Trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã không ngừng phát triển tích cực trên tất cả các mặt chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân và đã đạt được tiến triển toàn diện, tạo nền móng vững chắc trên ba trụ cột lớn.

Một là, sự gắn bó lịch sử và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp được bắt đầu từ rất sớm.

Tuy xa cách về địa lý nhưng mối liên hệ gắn kết giữa hai nước lại đặc biệt gần gũi và được khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX khi bác sĩ, nhà vi khuẩn học gốc Thụy Sỹ Alexandre Yersin chọn Việt Nam là quê hương thứ hai, nơi ông đã khám phá ra thành phố Đà Lạt và sống 50 năm cuộc đời đến khi mất tại Nha trang năm 1943.

Những trường học, đường phố mang tên Yersin quen thuộc với nhiều người nhưng ít ai biết ông đã được công nhận là công dân danh dự của Việt Nam năm 2013 và hàng triệu người Việt Nam vẫn nhớ đến ông với tên gọi thân thương ông Năm.

Năm 1954, là nước chủ nhà, Thụy Sỹ đã đóng góp tích cực cho việc ký kết thành công Hiệp định Geneva, dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Việt Nam.

Thời điểm đó, Thụy Sỹ là một trong các quốc gia Tây Âu đầu tiên công nhận Việt Nam chỉ sau Thụy Điển (năm 1969). Ngày 11/10/1971 khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam chưa kết thúc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ.

Hai là, trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên, thể hiện sự coi trọng lẫn nhau và hợp tác tốt đẹp trên bình diện cả song phương và đa phương.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos. Cơ chế tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền định kỳ song phương là kênh hợp tác ngoại giao, chính trị quan trọng.

Chương trình hợp tác phát triển (HTPT) giai đoạn 2021 – 2024 đối với Việt Nam ban hành tháng 3/2021. Theo đó, Thụy Sỹ cam kết cấp 80 triệu USD (70 triệu CHF) với mục tiêu bao trùm là hỗ trợ nền kinh tế định hướng thị trường của Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Để đạt mục tiêu này, Chương trình HTPT 2021-2024 tập trung vào hai chủ đề ưu tiên chính là thúc đẩy các điều kiện khuôn khổ nền kinh tế định hướng thị trường đáng tin cậy và nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường của khu vực kinh tế tư nhân.

Tính đến nay, hai bên đã có tổng số 35 chuyến thăm, trao đổi cấp cao. Gần đây nhất, giữa làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 8.

Trong chuyến thăm được đánh giá là thành công tốt đẹp này, hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đối tác tiềm năng đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nhất trí đẩy nhanh hướng tới hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy thương mại, đầu tư góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tháng 9 vừa qua, bên lề các Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có tiếp xúc song phương với Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, sớm kết thúc đàm phán FTA, hướng tới nâng cấp quan hệ Hợp tác đối tác nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

Ba là, hợp tác phát triển, một trụ cột có ý nghĩa trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường ba thập niên hợp tác phát triển của Thụy Sỹ với Việt Nam. Trong 30 năm qua, tổng giá trị viện trợ phát triển Thụy Sỹ dành cho Việt Nam đạt hơn 650 triệu USD, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn.

Các dự án ODA của Thụy Sỹ hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện Thụy Sỹ là một trong số ít những nước Tây Bắc Âu duy trì cam kết ODA hỗ trợ chương trình cải cách của Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên kể cả sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

Có thể nói, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hơn nửa thế kỷ qua giữa hai nước đã không ngừng được vun đắp và phát triển, trong đó, thành tựu lớn nhất chính là sự tin cậy, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ những giá trị, khát vọng chung vì độc lập dân tộc, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm Việt Nam từ ngày 4-6/8 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Năm nay, hai nước đã tổ chức những sự kiện, hoạt động ý nghĩa gì để kỷ niệm cho mối quan hệ nửa thế kỷ? Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam và Thụy Sỹ đã có sự hỗ trợ lẫn nhau như thế nào?

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Thụy Sỹ khi hai nước kỷ niệm hai dấu mốc lịch sử: 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển.

Để đánh dấu năm kỷ niệm kép, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thiết thực, cùng nhau nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ qua với những tình cảm và dấu ấn tốt đẹp, đồng thời hướng tới tương lai với những triển vọng hợp tác mới.

Từ đầu năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội xây dựng và tổ chức Lễ ra mắt video clip Logo 50 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo hiệu ứng truyền thông hết sức tích cực.

Lấy ý tưởng từ dải lụa mềm mại, gần gũi và gắn kết, mang chung sắc đỏ của Quốc kỳ hai nước, video Logo 50 năm là một câu chuyện ngắn về hành trình dài, được kể lại qua âm nhạc và hình ảnh nhằm phác họa những nét tiêu biểu, sống động về đất nước, con người và một số dấu ấn đối ngoại quan trọng trong hành trình nửa thế kỷ quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Video này đã được sử dụng trong một loạt hoạt động, lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao tại Việt Nam và Thụy Sỹ.

Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis tháng 8/2021 ngay giữa đại dịch là minh chứng rõ nét của tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tiềm năng.

Trong khuôn khổ chuyển thăm, Chính phủ Thụy Sỹ đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam gói viện trợ khẩn cấp gồm 13 tấn trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19 trị giá 125 tỷ đồng, truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa về tình cảm hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch đầy thách thức.

Trong 6 tháng cuối năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng chủ trì một loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao nhằm quảng bá hình ảnh và văn hóa đất nước, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư với các đối tác Thụy Sỹ.

Chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc và biểu diễn thời trang được kết hợp cùng Lễ kỷ niệm trọng thể Quốc khánh, Tọa đàm về Đổi mới sáng tạo và không gian khởi nghiệp Việt Nam tại Trường Kinh doanh, Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc (FHNW) là những sự kiện mang đậm dấu ấn kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ tham gia chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đặc biệt trong tháng 10 này, tháng quan trọng trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ, một loạt hoạt động kỷ niệm được tổ chức.

Cụ thể, ngày 9/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ năm 2021, sự kiện văn hóa đầu tiên được tổ chức tại nước ngoài bằng hình thức trực tuyến vào ngày 9/10.

Ngày 16/10, Đại sứ quán phối hợp với Phái đoàn thường trực tại Geneva tổ chức Ngày Văn hóa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam và Thụy Sỹ cùng ẩm thực đặc trưng của hai nước.

Ngày 21/10, Đại sứ quán chủ trì và phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Thụy Sỹ-châu Á tại Zurich tổ chức Diễn đàn CEO doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực chuyển đổi số và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, kết hợp chính thức giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sỹ, Tiến sĩ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Công nghệ Đức.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ long trọng kỷ niệm 76 năm Quốc khánh và 50 năm quan hệ ngoại giao.

Về quan hệ kinh tế, theo bà, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), mà trong đó Thụy Sỹ là một thành viên, khi được hoàn tất đàm phán và có hiệu lực sẽ tạo điều kiện như thế nào cho doanh nghiệp hai bên?

Cùng với sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, hợp tác kinh tế song phương tiến triển mạnh mẽ. Thương mại song phương tăng trung bình 15-20% mỗi năm.

Đáng chú ý, ngay trước đại dịch Covid-19, quan hệ thương mại song phương có bước phát triển vượt bậc, năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng hơn 200% so với 2018. Thụy Sỹ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ.

Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại)...

Về đầu tư, tính đến nay, Thụy Sỹ có 177 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp của Thụy Sỹ đang kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, dược phẩm, phân phối điện, khí.

Từ năm 2012, Việt Nam và Khối EFTA (gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) chính thức đàm phán FTA.

Mặc dù lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh thiện chí và thể hiện mong muốn sớm kết thúc đàm phán nhưng hiện vẫn còn một số khác biệt trong giai đoạn đàm phán được coi là cuối cùng này.

Trong bối cảnh Thụy Sỹ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam, đặc biệt sau khi FTA giữa Việt Nam và EU, đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sỹ, có hiệu lực, Thụy Sỹ mong muốn đẩy nhanh đàm phán, hướng tới sớm ký kết FTA để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của cả hai nước, khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với hai nền kinh tế.

Dư địa và động lực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước còn rất lớn khi vị thế của Việt Nam được nâng cao trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, có vai trò dẫn dắt và tham gia tích cực vào một loạt FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP.

Việc sớm kết thúc đàm phán và ký kết FTA Việt Nam-EFTA sẽ là một cú hích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao từ Thụy Sỹ vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực lợi thế cạnh tranh của Thụy Sỹ như phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những thập niên tới.

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Thụy Sỹ đều là những nước có đóng góp tích cực và hiệu quả vì hòa bình và an ninh quốc tế. Hai nước đã có sự ủng hộ lẫn nhau ra sao, đặc biệt khi Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 còn Thụy Sỹ là ứng cử viên cho một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 với khẩu hiệu ‘A Plus For Peace’ (Góp phần cho hòa bình)? Tinh thần bác ái vì hòa bình có phải là điểm song trùng giữa hai nước?

Việt Nam và Thụy Sỹ duy trì hợp tác hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Hai nước đã có thỏa thuận ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, đáng chú ý là ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Thụy Sỹ nhiệm kỳ 2023-2024).

Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam ủng hộ Thụy Sỹ trở thành Đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN từ năm 2016. Hai bên cũng phối hợp tích cực trong khuôn khổ hợp tác ASEM.

Trong khi đó, Thụy Sỹ cũng đánh giá cao vai trò tích cực và ngày càng có trọng lượng của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực.

Cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, hai bên chia sẻ quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như việc đảm bảo hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đây là những mẫu số chung của sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Trang và Đông Minh Anh biểu diễn dân ca Việt Nam và Thụy Sỹ tại Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ tại Tòa thị chính thành phố Bern.

Nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và rộng hơn nữa, thời gian tới, Việt Nam và Thụy Sỹ cần chú trọng hợp tác trong những lĩnh vực nào?

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động đáng kể tới môi trường an ninh và phát triển của các nước vừa và nhỏ như Việt Nam và Thụy Sỹ.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng cũng tạo động lực mới cho chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho các phương thức hợp tác đổi mới sáng tạo hơn để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định, đại dịch Covid-19 là cơ hội để thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo và tầm nhìn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thụy Sỹ.

Là một nước công nghiệp phát triển ở trình độ cao, Thụy Sỹ có nhiều thế mạnh nổi trội, phù hợp với nhu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới của Việt Nam trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, hai nước cần chú trọng thúc đẩy hợp tác về ba lĩnh vực là thương mại đầu tư; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục nghiên cứu.

Về thương mại đầu tư, việc sớm hoàn tất đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA sẽ tạo đột phá quan trọng, thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước.

Về hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hai nước cần nỗ lực để thúc đẩy triển vọng quan hệ đối tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, thế mạnh nổi trội của Thụy Sỹ, nước liên tục giữ vị trí số 1 trong Chỉ số toàn cầu về Đổi mới sáng tạo. 2021 là năm thứ 10 liên tiếp Thụy Sỹ đứng đầu về chỉ số sáng tạo toàn cầu Global Innovation Index trong số 130 quốc gia được xếp hạng.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học, giáo dục-đào tạo là lĩnh vực nhiều tiềm năng khi Thụy Sỹ nổi tiếng với những trường đại học, cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu thế giới về ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay, có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sỹ.

Dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là dịp đặc biệt để kỷ niệm những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua. Đây cũng là cơ hội, xung lực chính trị mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Qua đó, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nền kinh tế có tính chất bổ sung lẫn nhau, góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển chung, vì hòa bình và phồn vinh của hai quốc gia dân tộc.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!