Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. |
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp này gồm đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và đại diện Bộ Ngoại giao tham dự trực tuyến, đã tích cực phát biểu tại khoảng 20 phiên họp, như phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền LHQ về Báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền trên thế giới, phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền LHQ về Báo cáo về tăng cường quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh xung đột và hậu xung đột, phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển, phiên thảo luận chuyên đề về gia tăng bất bình đẳng trong đại dịch Covid-19, phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền tại Campuchia, Phillippines …
Phát biểu tại nhiều cuộc họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ủng hộ vai trò và hoạt động của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền của LHQ, trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác xây dựng.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai kêu gọi các nước tăng cường sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ để ứng phó hiệu quả đối với đại dịch Covid-19, nhất là bảo đảm tiếp cận kịp thời và bình đẳng đối với vaccine Covid-19 và các biện pháp điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người.
Nhấn mạnh các nước đang phát triển cần được tạo điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng vaccine Covid-19 nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và phục hồi bao trùm sau đại dịch, Đại sứ khẳng định Việt Nam quyết tâm đặt người dân vào trung tâm của các chính sách, tăng cường khả năng ứng phó y tế đối với đại dịch Covid-19, thực hiện các chương trình hỗ trợ xã hội và tài chính với quy mô phù hợp nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản của người dân.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhất là khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng Covid-19 do biến chủng mới gây ra.
Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cùng các nước ASEAN có một số phát biểu chung của ASEAN tại một số phiên thảo luận của Khóa họp 48 HĐNQ, như phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền tại Campuchia, Phillippines..., phiên thảo luận chung về các cơ chế nhân quyền và thủ tục đặc biệt của HĐNQ, phiên thảo luận chung về hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực nhân quyền…
Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ một số Nghị quyết được HĐNQ thông qua tại Khóa họp lần này, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác tích cực, đề cao quan điểm, việc triển khai chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam, cũng như quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của HĐNQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Khóa họp 48 HĐNQ đã diễn ra với 45 phiên họp, thảo luận 86 báo cáo; tổ chức đối thoại về báo cáo của các cơ chế nhân quyền LHQ về tình hình nhân quyền tại một số nước (Venezuela, Afghanistan, Nicaragua, Sri Lanka, Ethiopia, Yemen, Ukraine, Congo, Nam Sudan, Sudan, Syria, Burundi, Belarus, Palestine, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Georgia, Philippines, Campuchia và Myanmar).
Tại Khóa họp, HĐNQ cũng xem xét thông qua báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 14 nước; xem xét thông qua quyết định bổ nhiệm 03 chuyên gia phụ trách các cơ chế thủ tục đặc biệt; thảo luận và thông qua 25 Nghị quyết.