📞

Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA: Thúc đẩy giá trị, quảng bá Hiến chương

14:00 | 30/12/2019
TGVN. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm kỷ niệm là thúc đẩy việc nhìn nhận giá trị, quảng bá và tuân thủ trên thực tế Hiến chương LHQ.
Một cuộc họp tại HĐBA LHQ. (Nguồn: Reuters)

Ngay ngày đầu tiên của Năm Mới 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Việt Nam sẽ phải lên kế hoạch, xây dựng và tham vấn để được các nước thông qua chương trình làm việc cho tháng và điều hành tất cả các cuộc họp của Hội đồng và xử lý các đề nghị phát sinh của các nước.

Về thủ tục, Việt Nam cần bảo đảm các hoạt động đúng theo quy định, thông lệ của HĐBA. Về nội dung, năm 2020 đồng thời là năm kỷ niệm 75 năm Hiến chương LHQ, theo đó, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm kỷ niệm là thúc đẩy việc nhìn nhận giá trị, quảng bá và tuân thủ trên thực tế Hiến chương LHQ.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh lại các ưu tiên của Việt Nam cho giai đoạn 2020-2021 là : (i) Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương LHQ; (ii) Cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VIII của Hiến chương; (iii) Bảo vệ thường dân, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; (iv) Phụ nữ, hòa bình và an ninh, Trẻ em và xung đột vũ trang; (v) Giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; (vi) Các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; (vii) Tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

HĐBA LHQ là cơ quan chính trị quan trọng nhất của LHQ, gồm 15 thành viên. Cơ quan này có 5 thành viên thường trực gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong khi số thành viên thường trực này cố định, 10 thành viên không thường trực còn lại sẽ được bầu luân phiên và có nhiệm kỳ 2 năm.

Tại cuộc họp tháng 6/2019, Đại hội đồng bầu lại 5 ủy viên không thường trực. Kết quả: Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi, Việt Nam thay Kuwait tại châu Á, Grenadines thay Peru tại Mỹ Latinh và Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu.

Việc Việt Nam trúng cử vào HĐBA với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới - những nhiệm vụ cốt lõi của HĐBA.

Kể cả khi kết thúc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cũng tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ với các vai trò như thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế và xã hội LHQ (2015-2019) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2017-2021).