Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Đại hội lần thứ 27 của UPU (tổ chức chuyên ngành bưu chính thuộc Liên hợp quốc) đã được diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà từ ngày 9-27/8.
Chủ tịch nước và Chính phủ đã ủy quyền cho Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), làm trưởng đoàn tham dự trực tiếp tại Abidjan và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn làm trưởng đoàn tham dự trực tuyến cuộc họp từ Hà Nội.
Tại Đại hội lần này, Việt Nam lần đầu tiên ứng cử và đã trúng cử là thành viên POC của UPU.
Nhân sự kiện quan trọng này, Báo TG&VN đã phỏng vấn bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, về con đường dẫn đến một thắng lợi mới của ngoại giao đa phương này.
Xin bà cho biết quá trình Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị và phối hợp với Bộ Ngoại giao vận động ứng cử để Việt Nam trở thành thành viên POC của UPU nhiệm kỳ 2022-2025?
Từ góc độ chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành vận động thông qua các hoạt động song phương, cũng như tại các diễn đàn đa phương chuyên ngành bưu chính và các kênh đa phương thông tin truyền thông khác.
Bên cạnh đó, thể hiện trách nhiệm cao của một thành viên UPU cũng như để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu để xây dựng các quan điểm và các đề xuất của Việt Nam trình lên Đại hội UPU. Đây cũng là một cách thức tạo hiệu ứng hiệu quả cho công tác vận động của Việt Nam.
Kinh nghiệm tham gia trong các tổ chức chuyên ngành thông tin truyền thông khác cho thấy song song với công tác vận động ứng cử ở kênh chuyên ngành, việc vận động qua kênh ngoại giao cho hiệu quả cao.
Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để chuẩn bị tốt các hình thức và hoạt động vận động trước và trong khi diễn ra Đại hội cho việc ứng cử của Việt Nam vào POC nhiệm kỳ 2022-2025.
Ngay từ khi xây dựng kế hoạch vận động ứng cử tại Đại hội UPU lần thứ 27, hai cơ quan đã nhiều lần làm việc trực tiếp để thống nhất các nguyên tắc, tiêu chí và hình thức vận động.
Một ví dụ sinh động của công tác triển khai tại Đại hội có thể kể ở đây là chúng tôi đã thiết kế các tờ rơi vận động theo giai đoạn, video clip để trình chiếu tại Đại hội, để chuẩn bị cho các hoạt động vận động, đặc biệt trực tiếp tại thực địa.
Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 27 của UPU tại Abidjan, Bờ Biển Ngà. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva) |
Thực tế cho thấy phát biểu của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại Phiên toàn thể với cam kết của Việt Nam trong việc nỗ lực cùng UPU trong việc phát triển tổ chức UPU lớn mạnh và phát triển bưu chính toàn cầu, cùng với hình ảnh trình chiếu về đất nước Việt Nam và sự phát triển của bưu chính Việt Nam đã có hiệu ứng rất cao đối với các đại biểu tham dự Đại hội UPU.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ và phối hợp của các đơn vị của Bộ Ngoại giao, trong đó có vai trò của Vụ các Tổ chức quốc tế và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva giai đoạn trước thềm và trong thời gian diễn ra Đại hội.
Công tác vận động quyết liệt thời gian này rất quan trọng để thúc đẩy sự ủng hộ của các thành viên UPU đối với Việt Nam.
Có thể nói là, trong suốt tháng qua, các đơn vị của hai Bộ đã trao đổi và kết nối gần như hàng ngày để cập nhật tình hình và đưa ra các giải pháp kịp thời để xử lý các nội dung, công việc liên quan đến bầu cử của Đại hội, vận động ứng cử của Việt Nam.
Theo bà, những ưu điểm, thuận lợi nào đã khiến Việt Nam giành được sự tín nhiệm của các nước bỏ phiếu ủng hộ vào vị trí này?
Ngay từ đầu khi quyết định chủ trương ứng cử vào vị trí thành viên POC của UPU, chúng tôi đã nhận định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn vì khu vực Nam Á và châu Đại dương, trong đó có Việt Nam, luôn là khu vực cạnh tranh gay gắt nhất tại các cuộc bầu cử của UPU.
Việc Việt Nam lần đầu tiên ứng cử và trúng cử là một sự nỗ lực lớn của Việt Nam và có tác động đến từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất là về vị thế đất nước. Tôi rất nhớ câu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói khi tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tôi cho rằng đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta có được sự đánh giá và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế, cũng như tại các tổ chức quốc tế chuyên ngành, trong đó có UPU.
Thứ hai là về tiềm năng bưu chính Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia tích cực trong nhiều hoạt động của UPU, được bầu là thành viên của Hội đồng Điều hành UPU trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Đồng thời, sự đổi mới và phát triển của ngành bưu chính Việt nam, đặc biệt là sự tăng trưởng của doanh nghiệp bưu chính chỉ định (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và quan hệ hợp tác và trao đổi nghiệp vụ với các doanh nghiệp chỉ định các nước khác trong UPU không ngừng mở rộng.
UPU cũng đánh giá cao Việt Nam và đã biểu dương mô hình hoạt động của Bưu điện Việt Nam tại một số hội nghị của UPU.
Thứ ba là về việc tham gia sâu và đóng góp tích cực tại UPU. Như đã nói ở trên, để chuẩn bị cho Đại hội UPU, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung để xây dựng các quan điểm và đề xuất trình lên Đại hội UPU và nhiều đề xuất chuyên môn của Việt Nam đã được tán thành. Đây cũng là một điểm cộng nữa cho cho công tác vận động ứng cử của Việt Nam tại Đại hội UPU.
Thứ tư là sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan trong công tác vận động và việc đẩy mạnh vận động ngoại giao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao trong suốt thời gian qua là một yếu tố then chốt để có thành công tại cuộc bầu cử này của UPU.
Bên cạnh việc vận động qua kênh chuyên ngành thông tin và truyền thông, việc vận động qua kênh ngoại giao đóng vai trò quan trọng góp phần gia tăng nhiều sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam.
Toàn cảnh Đại hội UPU lần thứ 27. (Nguồn: UPU) |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều nước không thể cử đoàn sang Bờ Biển Ngà để tham dự trực tiếp do việc di chuyển trên thế giới rất khó khăn.
Tuy nhiên, khi nhận định tình hình thực tế Đại hội UPU lần này, theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông với sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã có quyết định nhanh và kịp thời việc cử Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva tham dự trực tiếp Đại hội.
Việc Việt Nam hiện diện trực tiếp tại Đại hội đã giúp cho các hoạt động vận động tại chỗ được hiệu quả cao nhất.
Ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử thành viên POC của UPU nhiệm kỳ 2022-2025 là gì, thưa bà?
Thúc đẩy đối ngoại đa phương, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam.
Việc Việt Nam trúng cử vào thành viên POC đã khẳng định quyết tâm bằng hành động cụ thể trong việc triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương tại tổ chức quốc tế chuyên ngành của Liên hợp quốc về bưu chính.
Việt Nam đã tham gia tích cực trong UPU và nay chúng ta sẽ tham gia chuyên sâu hơn nữa trong hoạt động chính sách về nghiệp vụ bưu chính của UPU khi là thành viên POC.
Việc này có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam bởi đây là cơ hội tốt để bưu chính Việt Nam nâng cao vị thế; có tiếng nói và đóng góp trực tiếp trong tiến trình xây dựng các chính sách nghiệp vụ bưu chính quốc tế để đảm bảo quyền lợi cho các nước đang phát triển; tiếp cận nhiều nguồn thông tin từ Hội đồng để phục vụ cho việc triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động bưu chính của Việt Nam; mở rộng hơn nữa hợp tác với các đối tác để tiếp cận nguồn lực, tiếp tục đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ bưu chính.
Trở thành thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU là cơ hội tốt để bưu chính Việt Nam nâng cao vị thế. (Nguồn: VNPost) |
Là thành viên POC của UPU, Việt Nam sẽ có vai trò và trách nhiệm gì?
POC của UPU là cơ quan chịu trách nhiệm những vấn đề kỹ thuật, thương mại và kinh tế liên quan đến nghiệp vụ bưu chính.
Trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh của thị trường bưu chính toàn cầu, đặc biệt là thương mại điện tử, POC có nhiều nội dung cần phải triển khai, trước hết là việc thực thi Chiến lược Abidjan, giải quyết các vấn đề để tiếp tục đổi mới hệ thống thanh toán thù lao, triển khai kế hoạch tích hợp sản phẩm…
Sau khi trúng cử, tại cuộc họp trù bị của Hội đồng nhiệm kỳ mới ngay sau đó, Việt Nam đã được các nước tín nhiệm bầu vào vị trí đồng Chủ tịch Ủy ban về dịch vụ tài chính bưu chính (một trong bốn Ủy ban của Hội đồng). Cương vị này vừa là một vinh dự, cũng là một thách thức đối với Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022-2025.
Để hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ tại Hội đồng, Việt Nam, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sẽ phải chuẩn bị tốt nhân lực và nguồn lực để tiếp tục đổi mới phát triển, thể hiện vị thế của Việt Nam và có các đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng chính sách về nghiệp vụ bưu chính quốc tế, đề xuất ý tưởng để cùng các thành viên tìm ra các giải pháp đẩy mạnh triển khai hiệu quả chiến lược của UPU, cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết của UPU.
Chân thành cảm ơn bà!
Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) được thành lập năm 1874, có trụ sở tại thành phố Bern, thủ đô của Thụy Sỹ, hiện gồm 192 quốc gia thành viên. Mục tiêu của UPU là hỗ trợ bảo đảm một mạng lưới toàn cầu sản phẩm và dịch vụ bưu chính hiện đại nhất. Đại hội UPU là cơ quan cao nhất của UPU, được triệu tập 4 năm một lần, nội dung chính là định hình tương lai của lĩnh vực bưu chính, xem xét và thông qua chiến lược và kế hoạch bưu chính thế giới trong các năm tiếp theo. Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) là một trong bốn cơ quan của UPU, cùng với Đại hội, Hội đồng Điều hành và Văn phòng quốc tế. Hội đồng là cơ quan xem xét các khía cạnh thương mại, kinh tế và vận hành của bưu chính thế giới; đưa ra khuyến nghị về tiêu chuẩn của các tiến trình công nghệ và vận hành. Vai trò của Hội đồng càng quan trọng khi nhu cầu dịch vụ bưu chính gia tăng trong bối cảnh thương mại điện tử và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới cũng như để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. |