Sáng 15/11, tại Hà Nội, Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế Chính sách hướng đông của các quốc gia Trung Đông – châu Phi và khả năng hợp tác với Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đến dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự còn có các Đại sứ, Đại biện quốc gia Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế từ Nam Phi, Hàn Quốc...đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, nhà nghiên cứu Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch VASS và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chủ trì phiên khai mạc hội thảo quốc tế Chính sách hướng đông của các nước Trung Đông - châu Phi và khả năng hợp tác với Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam và chính sách hướng Đông của châu Phi - Trung Đông
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch VASS cho biết, “Trung Đông – châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có nền kinh tế đang phát triển và đi theo xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế.
Trước triển vọng kinh tế ở châu Á – nơi được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Đông – châu Phi đã và đang tích cực thực hiện chính sách hướng tới châu Á hay chính sách hướng Đông, tăng cường hợp tác với các quốc gia, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó có Việt Nam”.
TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch VASS phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 15/15 nước ở Trung Đông, 53/55 nước ở châu Phi. Quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước trong khu vực thời gian qua phát triển hết sức tốt đẹp. Nhiều hoạt động trao đổi cấp cao, cấp nhà nước, các bộ ngành các doanh nghiệp diễn ra sôi động. Trong 3 năm qua, Việt Nam đón nhiều nguyên thủ, lãnh đạo của các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi tới thăm. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt mức 18,65 nghìn USD năm 2017, trong đó có nhiều đối tác lớn trên 1 tỷ USD.
Trong bối cảnh các nước Trung Đông – châu Phi đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông và coi trọng hợp tác với Việt Nam, việc nắm rõ thông tin, tìm hiểu rõ chính sách của bạn để tận dụng, khai thác tối ưu hóa lợi ích trong hợp tác với khu vực là điều hết sức cần thiết.
Ông cho rằng, đây sẽ là dịp để các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích, tìm hiểu, thảo luận những thông tin về chính sách này và những tác động của nó đối với khu vực châu Á nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Trong dịp này, các đại biểu sẽ cùng phân tích những tiềm năng lợi thế trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu Phi trong bối cảnh mới hiện nay của quốc tế, khu vực và các quốc gia. Qua đó, các đại biểu sẽ kiến nghị chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tận dụng tốt cơ hội từ chính sách hướng Đông mang lại, đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu Phi trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu nông thủy sản, giao thông vận tải, lao động… cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế, xây dựng thể chế, chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức một diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – châu Phi.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức một diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – châu Phi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sự tham dự đông đảo của các đại sứ, đại biện quốc gia Trung Đông châu Phi, các nhà nghiên cứu.... ngày hôm nay cho thấy sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của các cơ quan tổ chức và doanh nghiệp, mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với khu vực hết sức giàu tiềm năng này.
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga mong muốn, thông qua việc tổ chức hội thảo để tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác, liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp, đóng góp thiết thực cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi.
Những lợi thế bổ trợ cho nhau
Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi có nhiều lợi thế để bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Là một quốc gia nằm ở châu Á – khu vực phát triển năng động nhất, động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đã đạt được những phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội trong những năm qua và được coi là điểm sáng của hợp tác quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay nằm trong top đầu của ASEAN cũng như của cả châu Á, với mức tăng bình quân từ 6-7%/năm, GDP năm 2017 vượt mức 220 tỷ USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam luôn ở mức cao, đạt trên 36 tỷ USD năm 2017. Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân với nguồn lao động trẻ, dồi dào, có trình độ ngày càng được nâng cao, nhằm bắt kịp cuộc cách mạng 4.0.
Trong khi đó, Trung Đông - châu Phi cũng đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nước, do đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng hợp tác, với trên 70 quốc gia và dân số trên 1,6 tỷ người, GDP trên 490 tỷ USD. Trong đó, Trung Đông từ lâu là nguồn cung năng lượng của thế giới, còn châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều nền kinh tế năng động và có xu hướng ngày càng ổn định hơn về chính trị.
Các Đại sứ, Đại biện quốc gia Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tuy cách xa về địa lý, nhưng Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp được hình thành từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và đang tiếp tục được củng cố trong giai đoạn phát riển đất nước ngày nay.
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông - châu Phi. Nhiều nước trong khu vực đã tích cực thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các quốc gia, các nền kinh tế đang lên ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Trung Đông – châu Phi có bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, cả về chính trị ngoại giao kinh tế và giao lưu nhân dân. Khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương được tăng cường với nhiều văn kiện thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Về thương mại từ 2010 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Đông – châu Phi tăng hơn 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ uSD năm 2017. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của hai bên cũng đạt được nhưng kết quả hết sức đáng khích lệ. Đây là những tiền đề rất tốt đẹp để Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các đại biểu, sinh viên đến từ khu vực Trung Đông - châu Phi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mặc dù hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, - châu Phi thời gian qua đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga cho rằng, kết quả này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nền tảng chính trị tốt đẹp cũng như tiềm năng của cả hai.
Thời gian tới, Việt Nam cùng các nước Trung Đông – châu Phi cần phát huy thế mạnh của quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng to lớn của mỗi nước, chủ động thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa giáo dục. Đồng thời, trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp hiện nay, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi cần tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, phối hợp giải quyết các thách thức chung mà thế giới đang phải đối mặt, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tiến hành hai phiên thảo luận và trao đổi về chính sách hướng Đông của các quốc gia Trung Đông - châu Phi và thảo luận về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi.