Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tháng 1/2020. (Nguồn: UN) |
Sự thích ứng kịp thời
Đại sứ có thể cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến các hoạt động của LHQ trong năm 2020?
Đại dịch Covid-19 đã gây tác động chưa từng có, có thể nói là to lớn nhất kể từ năm 1945, đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân, làm trầm trọng hơn những thách thức đối với thế giới. Đứng trước bối cảnh này, nhu cầu, kỳ vọng của các nước trên thế giới đối với các thể chế đa phương, đặc biệt là LHQ ở mức độ đặc biệt rộng rãi, sâu sắc.
Các diễn đàn của LHQ có cường độ làm việc rất cao; các cuộc họp, các cuộc thương lượng, tham vấn, hoạt động bên lề, các tiếp xúc vốn diễn ra dày đặc. Trong khi đó, bang New York trở thành tâm điểm hứng chịu đại dịch của Mỹ với số ca nhiễm mới có lúc lên đến 12.274 ca/ngày, số người chết vượt 1.000 người/ngày. Tiếp đến là các vụ bạo động, khiến New York phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Thời gian đầu diễn ra đại dịch, các hoạt động của LHQ bị đình trệ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (HĐBA), đã có sự thích ứng kịp thời. Các cuộc họp tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến, với cường độ, trong một số vấn đề, còn dày đặc hơn trước; các phương thức làm việc linh hoạt, sáng tạo được áp dụng như bỏ phiếu bằng văn bản thay cho bỏ phiếu trực tiếp, thương lượng văn bản trực tuyến hay thậm chí chiêu đãi trực tuyến.
Tình hình đó ảnh hưởng tới hoạt động và việc ra quyết định của HĐBA LHQ như thế nào, thưa Đại sứ?
HĐBA LHQ đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn - hơn 400 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, với chương trình nghị sự rộng rãi, từ các điểm nóng, xung đột được quan tâm hàng đầu như Syria, Iran, Palestine, Libya, Yemen, Tây Sahara, Ethiopia… đến các vấn đề chủ đề như vai trò của phụ nữ và thanh niên trong duy trì hòa bình và an ninh, bảo vệ thường dân, gìn giữ hòa bình…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, HĐBA cũng là một trong các cơ quan của LHQ thích ứng tốt nhất trong việc điều chỉnh phương cách làm việc để vẫn có thể duy trì thảo luận, ra quyết định và đã ra được hơn 100 nghị quyết, văn kiện liên quan về các vấn đề bức thiết, tác động đến hòa bình và an ninh quốc tế.
| NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và bài học dung hòa lợi ích (Kỳ 1) TGVN. Cuộc phỏng vấn với anh Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao xung quanh Nghị quyết... |
Lựa chọn đúng và trúng
Đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm đầu tiên nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã có đóng góp như thế nào vào hoạt động của HĐBA?
Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên tham gia Hội đồng. Ta đã lựa chọn đúng, trúng chủ đề ưu tiên là tôn trọng Hiến chương LHQ để tổ chức một Phiên thảo luận mở của HĐBA, thu hút 111 phát biểu, con số kỷ lục các nước quan tâm và phát biểu tại một Phiên thảo luận mở của HĐBA...
Là Ủy viên không thường trực HĐBA, ta đã tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm, đóng góp xây dựng vào kết quả chung của HĐBA, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của đất nước. Ta đã khéo léo xử lý các phức tạp nảy sinh, có tiếng nói độc lập, góp phần thúc đẩy sự thống nhất, đồng thuận trong HĐBA và chủ động tham gia nhiều vấn đề được quốc tế quan tâm chung...
Trong vai trò kép vừa là Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, vừa là Chủ tịch Uỷ ban ASEAN tại LHQ năm 2020, ta đã thúc đẩy để lần đầu tiên HĐBA thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ với ASEAN. Xuyên suốt cả năm, ta đã phối hợp với Indonesia để hai nước thành viên ASEAN tại HĐBA có 20 phát biểu chung, trong đó lồng ghép các thành tựu hợp tác ASEAN trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế trong các phát biểu tại HĐBA, góp phần nâng cao hình ảnh của ASEAN tại HĐBA.
Trong năm 2020, bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã chủ trì xây dựng, thương lượng và đệ trình Đại hội đồng LHQ Khóa 75 thông qua Nghị quyết về hợp tác LHQ - ASEAN với 120 nước đồng bảo trợ (cao nhất từ trước đến nay). Ta cũng đã chủ trì xây dựng, thương lượng và đề xuất Đại hội đồng LHQ Khóa 75 thông qua Nghị quyết về Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12), nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất và được thông qua tại Đại hội đồng LHQ.
Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại New York. |
Với Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại New York, năm đầu tiên đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA, có khác với những năm “bình thường”?
Như những người lính ở tiền tuyến, cán bộ, nhân viên Phái đoàn cũng nhanh chóng làm quen với tình hình mới, một mặt áp dụng các biện pháp bảo vệ tối đa, mặt khác hết sức bình thản đối mặt với “các cơn bão trong bão” và cho đến nay, có thể nói đã là duy trì được “tình trạng bình thường mới”.
Trong năm qua, Phái đoàn đã tham dự hàng nghìn cuộc họp ở các cấp, từ các cuộc họp cấp cao đến cấp chuyên gia; thực hiện khoảng 500 bài phát biểu thay mặt quốc gia và cả ASEAN trên rất nhiều lĩnh vực, cũng như tham gia vào quá trình xây dựng hàng trăm văn kiện ở cả HĐBA và Đại hội đồng LHQ.
HĐBA năm nay nảy sinh nhiều vấn đề bất ngờ, nhiều đề nghị họp gấp vào phút chót hay có điểm nóng quay trở lại chương trình nghị sự sau hàng chục năm, đòi hỏi khả năng xử lý tình huống rất nhanh. Để ra được các quyết định đúng và kịp thời, rất nhiều thời điểm đầu cầu Hà Nội và Phái đoàn ở New York duy trì liên lạc liên tục trong 24 giờ, nghĩa là khi New York làm việc thì Hà Nội thức trắng đêm và ngược lại.
Trong khi đó, Phái đoàn vẫn chú trọng thực hiện các công tác khác, trong đó có công tác bảo hộ công dân, như duy trì liên lạc đường dây nóng, phối hợp tổ chức cho gần 1.000 công dân Việt Nam tham gia các chuyến bay giải cứu về nước, tổ chức các cuộc họp trực tuyến giúp tháo gỡ các khúc mắc và khó khăn cho công dân; trực tiếp thăm hỏi hỗ trợ thuốc men, đồ dùng y tế và giới thiệu bác sỹ tư vấn cho một số công dân dương tính với Covid-19 có đề nghị được hỗ trợ.
Đại sứ có thể chia sẻ câu chuyện đáng nhớ của mình và Phái đoàn trong công tác tại LHQ năm qua?
Đánh giá về năm đầu tiên đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cho rằng những đóng góp của Việt Nam đã ghi dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Thành công mà Việt Nam có được là do ta đã “đi cùng tiếng nói chung, nguyện vọng chung của các nước”.
Thực tế hoạt động tại Phái đoàn cho thấy, khi triển khai vận động các nước ủng hộ và đồng bảo trợ các nghị quyết do ta đề xuất tại LHQ, tôi đã nhận được những phản hồi từ các Đại sứ khác như “Tôi không thể không ủng hộ sáng kiến từ đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Việt Nam sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi”, “Việt Nam đã đóng góp rất tốt vào công việc của LHQ và tôi tin rằng sáng kiến của Việt Nam chắc chắn sẽ thành công”…
Điều đó cho thấy, để nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế thì yếu tố quan trọng hàng đầu là vị thế, hình ảnh của Việt Nam. Những con số đồng bảo trợ kỷ lục hay sự ủng hộ tuyệt đối của các nước thể hiện sự yêu mến và tin tưởng của các nước đối với khả năng và cách thức giải quyết vấn đề của Việt Nam. Đây vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm phải gìn giữ niềm tin này của tất cả chúng ta, trong đó có những người cán bộ ngoại giao chúng tôi.