📞

Việt Nam vững tin vào mô hình tăng trưởng mới

14:47 | 03/11/2016
Với mục tiêu cùng Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tìm hiểu về các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế Việt Nam, Hội nghị kinh tế đối ngoại 2016 đã lựa chọn một cách làm mới – hội nghị không diễn văn. Giới chuyên gia, học giả và doanh nghiệp trong, ngoài nước trực tiếp đặt câu hỏi và tranh luận với đại diện Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam về các vấn đề “nóng”.

Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 là Hội nghị thứ tư Tạp chí danh tiếng của Vương quốc Anh - The Economist phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Theo nhận định của The Economist, năm 2016 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam khi đội ngũ lãnh đạo quốc gia mới bắt tay điều hành đất nước, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn bao giờ và Việt Nam tiếp tục có vai trò quan trọng trong cấu trúc hợp tác khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là diễn giả đầu tiên tại phiên Khai mạc Diễn đàn kinh tế đối ngoại 2016. (Ảnh: Tuấn Anh)

Các chuyên gia The Economist nhận định rằng, Việt Nam có triển vọng tích cực dù sức tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chững lại. Cơ quan nghiên cứu của The Economist (EIU) dự đoán, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ vào khoảng 6% và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017. Việt Nam đang tiến gần dòng chảy kinh tế toàn cầu, nhưng vị trí địa lý cũng cho thấy Việt Nam gắn chặt với chuỗi cung ứng khu vực. Việt Nam còn được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, các cải cách kinh tế trong nước cũng đã thúc đẩy kinh tế và thu hút các nhà đầu tư.

Với dân số trẻ có trình độ học vấn tốt, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành một trung tâm sáng tạo mới ở Đông Á. Liệu các chính sách có được hoạch định đúng đắn để biến điều này thành hiện thực?

Trả lời câu hỏi này của đại diện The Economist đặt ra tại phiên Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, chính sách phát triển đúng đắn đã giúp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt trong giai đoạn vừa qua. Việt Nam đã chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, tận dụng được các tiềm năng kinh tế của Việt Nam như nguồn nhân lực, nông nghiệp. Đặc biệt, yếu tố thứ 3 là chính sách hội nhập quốc tế đúng đắn, đã tạo cho Việt  nam tiếp cận tốt với thế giới, thúc đẩy được tiềm năng trong nước, tận dụng tốt các cơ hội từ bên ngoài.

Toàn cảnh Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016, chủ đề Việt Nam - Ra khơi thuận buồm xuôi gió. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn vào mô hình tăng trưởng mới, với chất lượng tăng trưởng được đặt lên hàng đầu. Việt Nam đã và đang thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Dự kiến, trong khoảng 5 năm tới mức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đạt từ 6,5 - 6,7%.

Chính phủ kiến tạo là gì?

Chính phủ kiến tạo là Chính phủ đưa ra chính sách, chính sách đó tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp cho phép để các doanh nghiệp, mọi người dân phát triển hết tiềm năng của mình để hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế. Kiến tạo có nghĩa là đưa ra chính sách, mà những chính sách đó tạo thuận lợi cho người dân, tạo môi trường cho người dân, để mọi thành phần trong đất nước đều tham gia vào hoạt động kinh doanh, kinh tế, không có vấn đề xin cho. Kiến tạo là Chính phủ tạo sân chơi chung, trong sân chơi đó tất cả người dân và doanh nghiệp đều bình đẳng, trong đó Chính phủ sẽ minh bạch trong chính sách của mình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

"Trước đây, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực và nguồn vốn, chính vì vậy chúng tôi đã đặt ra vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng phát triển, phát huy tốt các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, sử dụng hiệu quả yếu tố tri thức." Phó Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, đổi mới mô hình tăng trưởng là nâng cao chất lượng, ứng dụng tốt các thành tựu khoa học công nghệ, tăng năng suất của nền kinh tế nhưng quyết không vì phát triển nhanh mà gây ảnh hưởng đến môi trường và quá trình tăng trưởng lâu dài của đất nước.

Nhìn thẳng vào một trong các thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam là giải quyết tốt bài toán nâng cao năng suất lao động. Phó Thủ tướng phân tích, “để tăng năng suất lao động chắc chắn sẽ phải tự động hóa, nhưng ngược lại tự động hóa đi đôi với nguy cơ mất việc làm. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển việc đối phó với thách thức đó sẽ ngày càng gay gắt.”

Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn Tạp chí The Economist do ông Charles Goddard, Tổng biên tập Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ tư, Việt Nam chấp nhận sẽ phải đối mặt với áp lực giải quyết công ăn việc làm, thậm chí như nghiên cứu của tổ chức Lao động Thế giới (ILO), với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có thể tới 86% việc làm có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, Việt Nam chắc chắn sẽ phải thúc đẩy được việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó, giải pháp quan trọng là đổi mới giáo dục một cách toàn diện, tăng cường đào tạo lao động có tay nghề và trình độ cao.

Trước đó, Triển lãm “Thành tựu Kinh tế đối ngoại và Môi trường đầu tư ở Việt Nam” đã  khai mạc vào ngày 2/11 và “Gala Dinner Kết nối và Hội nhập” đã diễn ra trong tối ngày 2/11. Hai sự kiện chào mừng trước thềm sự kiện chính đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài nước và giới truyền thông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Gala Dinner và mang tới thông điệp “Chính phủ Việt Nam quyết tâm vững tin, đổi mới chính mình, tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp; quyết tâm đổi mới tạo khuôn khổ thể chế pháp lý, xây dựng các yếu tố nền tảng cho môi trường đầu tư kinh doanh như xây dựng cơ sở hạ tang, phát triển nguồn nhân lực…… để doanh nghiệp và người dân vững tin phát huy nội lực, sức sáng tạo trong sản xuất kinh doanh” đã mang lại nguồn hứng khởi mới cho các doanh nhân nước nhà và củng cố sự niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn vững tin thực hiện chiến lược phát triển, hội nhập kinh tế khi các hiệp định FTA mà Việt Nam đang đàm phán có hiệu lực đầy đủ và với sự đồng hành của các nhà đầu tư nước ngoài.