Khoa học vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa virus Zika với căn bệnh đầu nhỏ, teo não. (Nguồn: IBTimes) |
Ngày 3/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số liệu chính thức cho biết, tại châu Mỹ có 2.765 người đã được xác nhận nhiễm virus Zika, chủ yếu tại Mỹ Latinh, trong khi số người bị nghi ngờ nhiễm virus này là 134.000 trường hợp.
Tổ chức này cũng cảnh báo, số người nhiễm loại virus do muỗi Aedes aegypti này trong thực tế còn cao hơn rất nhiều do có tới 80% người nhiễm virus không có triệu chứng hoặc nếu có thì họ cũng không tới các cơ sở y tế.
Cùng ngày, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) của Brazil cũng thông báo đã phát hiện virus Zika trong tuyến nước bọt của muỗi thông thường, hay còn gọi là muỗi Culex. Phát hiện này đưa đến giả thuyết muỗi thường có thể truyền nhiễm căn bệnh trên.
Cho tới thời điểm hiện tại, muỗi Aedes aegypti được coi là nguồn gốc chính truyền virus Zika và lan truyền vi khuẩn sốt xuất huyết làm 1,65 triệu người bị mắc bệnh ở Brazil trong năm 2015.
Hiện virus Zika đã có mặt tại hơn 30 quốc gia châu Mỹ, nhưng chỉ có Brazil và quần đảo Polynésie thuộc Pháp thông báo có trường hợp teo não liên quan tới Zika. Theo Bộ Y tế Brazil, tính đến ngày 27/2, nước này có tới 5.909 trường hợp trẻ sơ sinh và thai nhi bị nghi mắc bệnh đầu nhỏ, teo não do virus Zika gây ra. Trong số các bệnh nhi nói trên có 641 trường hợp các kết quả xét nghiệm đã khẳng định trẻ bị bệnh.
Tại Việt Nam, theo kết quả báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến nay chưa ghi nhận trường họp nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika về từ vùng có dịch. Ngày 4/3, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế khuyến cáo du khách hạn chế đi du lịch đến 24 quốc gia khu vực Mỹ Latinh đang có dịch, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.