Người tuần hành tại Niger trước cửa Đại sứ quán Pháp ở Niamey ngày 30/7. (Nguồn: AFP) |
Niger rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính. Việc Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum bị giam giữ ngay trong dinh thự đã khiến tình hình tại quốc gia Tây Phi, vốn đã phức tạp, nay lại càng rối ren hơn.
Thậm chí, ngay cả sự im lặng của lực lượng đảo chính ngay sau đó cũng là một điều đáng chú ý. Chỉ tới 48 tiếng sau khi sự kiện này diễn ra, lãnh đạo của phe đảo chính, Tướng Abdourahmane Tchiani, hay Omar, người đứng đầu lực lượng cảnh vệ của Tổng thống, mới lộ diện và tuyên bố nắm quyền. Khoảng lặng này phản ánh nỗ lực tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh, trong đó ông Tchiani đã giành chiến thắng trước "sếp" cũ cùng nhiều nhân vật khác để ngồi vào chiếc “ghế nóng”, đứng đầu chính quyền quân sự Niger.
Trong khi đó, sau nỗ lực tranh đấu không thành, Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Abdou Sidikou Issa miễn cưỡng tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính để “tránh đối đầu chết người giữa các lực lượng khác nhau”, dẫn đến cuộc “tắm máu” và đe dọa tính mạng ông Bazoum. Song chẳng có gì bảo đảm rằng mong muốn của ông sẽ thành hiện thực. Thậm chí, cuộc đảo chính này sẽ đẩy Tây Phi vào tình cảnh hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Từ lâu, khu vực này đã là địa bàn hoạt động của các lực lượng thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm ngoái, 10.000 người đã thiệt mạng vì xung đột ở Burkina Faso, Mali và Niger. Năm 2020, binh lính giành quyền kiểm soát chính quyền Mali. Năm 2022 tại Burkina Faso, hai cuộc đảo chính quân sự diễn ra chỉ cách nhau chưa đầy 8 tháng.
Song khác với hai quốc gia nêu trên, có lúc Niger tưởng chừng như tìm thấy câu trả lời cho bài toán tìm kiếm sự ổn định. Đây là đồng minh hiếm hoi còn lại của phương Tây tại khu vực này, với sự hiện diện của 1.500 lính Pháp. Cùng với hơn 1.000 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại các căn cứ máy bay không người lái.
Tuy nhiên, chỉ hiện diện quân sự nước ngoài không là chưa đủ. Duy trì nền hòa bình đòi hỏi cách tiếp cận bền vững, lâu dài hơn. Việc chính quyền của ông Bazoum trả tự do cho một số phần tử thánh chiến cực đoan thông qua đàm phán, qua đó gây bất ổn cho các phiến quân thông qua đàm phán, là một nỗ lực như thế.
Với cách tiếp cận này, chiến dịch chống các phần tử thánh chiến của Niger từng được đánh giá là thành công nhất tại Tây Phi. Trong khi thương vong và thiệt hại tăng cao ở Mali và Burkina Faso, số nạn nhân của xung đột tại Niger chỉ chiếm 1/10, dù nước này vẫn đối mặt bài toán khó đến từ lực lượng Boko Haram.
Điều đáng nói, vấn đề lớn nhất của ông Bazoum lại đến từ nội bộ. Chính trị gia này không nhận được sự ủng hộ đủ mạnh từ lực lượng an ninh và quân đội. Những gì diễn ra tại Phủ Tổng thống Niger một tuần qua chính là hệ quả. Đó không chỉ là bất ổn, tuần hành trên đường phố hay trước cửa Đại sứ quán Pháp tại Niamey, mà còn là mảnh đất “màu mỡ” cho sự trở lại của lực lượng thánh chiến Hồi giáo tại quốc gia Tây Phi này.
Trong bối cảnh đó, với những gì ông Mohamed Bazoum đã làm được và để tránh tạo tiền lệ xấu cho hành vi đảo chính quân sự trong tương lai, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và thế giới có nhiều lý do để đưa nhà lãnh đạo này trở lại. Ông Bola Tinubu, Tổng thống Nigeria, nước Chủ tịch khối, khẳng định các quốc gia tại khu vực “sẽ không dung thứ cho bất kỳ tình huống nào làm mất khả năng của chính phủ dân cử”. ECOWAS đã đưa ra “tối hậu thư”, yêu cầu khôi phục chính phủ dân sự Niger trong một tuần và không loại trừ sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, cùng một số nước khác cũng phản đối đảo chính. Liên minh châu Âu (EU) cùng Đức đã cắt viện trợ và đe dọa sẽ trừng phạt các tướng lĩnh đảo chính.
Phản ứng đáng chú ý nhất đến từ Pháp, quốc gia vẫn có ảnh hưởng đáng kể tại Tây Phi. Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố: “Cuộc đảo chính này là hoàn toàn bất hợp pháp và vô cùng nguy hiểm đối với người dân Niger, cho Niger và cho toàn khu vực”.
Thậm chí, lực lượng đảo chính ở Niger cáo buộc chính quyền ông Mohamed Bazoum đã “ủy quyền” để Pháp can thiệp quân sự giải cứu nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, các quan chức Paris không xác nhận thông tin trên.
Chừng đó cho thấy sự chú ý đặc biệt với những gì đang diễn ra tại Niger. Liệu mối quan tâm đó có thể được chuyển hóa thành hành động, hướng tới khôi phục ổn định tại đây?