📞

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus báo hiệu điều gì?

Xuân Sơn 16:49 | 07/04/2023
Sau nhiều thập kỷ không triển khai căn cứ quân sự tại nước ngoài, Nga chuẩn bị thiết lập vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Điều này sẽ tác động như thế nào tới tình hình khu vực?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng cho những mục tiêu cụ thể trên chiến trường và có thể thay thế đầu đạn thông thường trong hệ thống vũ khí. (Nguồn: AP)

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã đạt thỏa thuận cho phép Moscow triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.

Lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Moscow đặt căn cứ vũ khí bên ngoài đất nước. Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 26/3, ông Putin cũng thông báo rằng Nga sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dự trữ vũ khí ở Belarus vào tháng 7 tới đây.

Do Moscow gần đây đã đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ, nên những lo ngại về căng thẳng hạt nhân giữa hai cường quốc này lại nổi lên.

Mặc dù chưa có xác nhận nào về số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện tại của Nga, nhưng theo Reuters, Washington tin rằng Moscow có khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật đang hoạt động, gấp khoảng 10 lần so với Mỹ.

“Nga không chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”

Phản ứng với động thái này của Nga, phía Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, kể cả khi không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Chúng tôi không có lý do gì để điều chỉnh hoạt động hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi cũng duy trì cam kết phòng thủ tập thể với đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Ông Bruno Lete, thành viên cao cấp về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng châu Âu và NATO không ngạc nhiên với thông báo từ ông Putin.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Đầu tiên, việc Nga thường xuyên nhắc đến vấn đề hạt nhân trong năm qua đã thúc đẩy NATO và châu Âu chuẩn bị sẵn sàng cho những gì sắp xảy tới. Hơn nữa, sự kiện Nga đình chỉ Hiệp ước New START đã gây lo ngại về nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân. Vì vậy, Hiệp ước này tốt hơn hết vẫn nên duy trì hiệu lực nhằm ngăn ngừa rủi ro tới hòa bình và an ninh thế giới.”

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng cho những mục tiêu cụ thể trên chiến trường và có thể thay thế đầu đạn thông thường trong hệ thống vũ khí. Chúng không thể tự kích nổ mà cần một hệ thống phóng như tên lửa Iskander - hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Nga đã sử dụng để phóng các đầu đạn ở Ukraine và Syria.

Ông William Alberque, Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), giải thích: "Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường được sử dụng nhằm giành chiến thắng hoàn toàn trong một trận chiến và ít được dùng để tấn công thành phố. Loại vũ khí này có đầu đạn nhỏ, nhưng trọng lượng có thể lên tới 100 kiloton tùy thuộc vào mục tiêu".

Để so sánh, vũ khí hạt nhân chiến lược liên lục địa có khả năng phá hủy toàn bộ thành phố. Chuyên gia này cho biết những vũ khí này có thể được phóng với khoảng cách xa như từ lãnh thổ Nga sang châu Mỹ. Vì vậy, trong Chiến tranh Lạnh, để một đầu đạn được coi là chiến lược, nó phải có khả năng phóng được từ Siberia đến Montana. Chúng sẽ gây ra nhiều thiệt hại và nặng hơn 100 kiloton, hoặc ít nhất gấp 5 lần kích thước của những quả bom ném xuống Hiroshima-Nagasaki.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật cần hệ thống phóng như tên lửa Iskander. (Nguồn: BQP Nga)

Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân?

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) giúp hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân sang các nước không sở hữu hạt nhân. Trong tuyên bố của mình, ông Putin lập luận rằng việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus không vi phạm thỏa thuận này.

Ông Putin nói rằng: "Không có gì bất thường ở đây khi mà Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Từ lâu, Washington đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các đồng minh".

Theo Hiệp ước NPT, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Mặc dù họ không thể chuyển giao vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân cho một nước phi hạt nhân, nhưng họ có thể triển khai chúng bên ngoài biên giới của mình. Nhà lãnh đạo Nga đã nhấn mạnh rằng Moscow sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với các loại vũ khí được triển khai, phù hợp với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.

NATO nên phản ứng như thế nào?

Mỹ hiện đã triển khai vũ khí hạt nhân tới các nước châu Âu như Bỉ, Đức, Hà Lan và Italy.

Ông Stefan Scheller, thành viên thuộc Chương trình An ninh và Quốc phòng của Hội đồng Đối ngoại Đức, nhấn mạnh rằng quyết định triển khai vũ khí hạt nhân tới châu Âu của Mỹ là một phần trong chiến lược phòng thủ tập thể của NATO.

"Có một khái niệm gọi là 'chia sẻ hạt nhân' tồn tại trong NATO. Chính sách này nhằm mục đích duy trì an ninh cho toàn bộ liên minh, thông qua việc chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro của răn đe hạt nhân”, ông Stefan Scheller nói.

Ông Stefan Scheller cũng chia sẻ quan điểm tương tự và cho biết các vũ khí chiến thuật của Mỹ được thiết kế để nhắm mục tiêu vào binh lính hoặc các cơ sở quân sự quan trọng như trụ sở quân sự thuộc các trung tâm chỉ huy và kiểm soát.

“Vũ khí chiến lược của Mỹ không được thiết kế nhằm tấn công Moscow hay St. Petersburg”, ông Stefan Scheller khẳng định.

Trong khi đó, ông Bruno Lete cho rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ cho phép Moscow tấn công vào lãnh thổ NATO nhanh hơn nhiều so với trước đây.

"Thời gian để đưa ra hành động phản ứng của NATO sẽ bị rút ngắn. Vì vậy, NATO có thể tiếp tục răn đe hạt nhân như đang làm trong hiện tại, hoặc NATO có thể cưỡng chế hạt nhân, cụ thể là ngăn cản Nga triển khai vũ khí tới Belarus. Nhưng trong tình hình hiện tại, tôi nghĩ NATO sẽ tiếp tục răn đe hạt nhân", ông Lete dự đoán.

(theo DW)