Ngoại giao vaccine là một nhánh của ngoại giao y tế toàn cầu, dựa trên việc sử dụng hoặc phân phối các loại vaccine thông qua các tổ chức quốc tế liên chính phủ như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay các tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp vaccine như: Gavi, the Vaccine Alliance - thuộc Quỹ Bill & Melinda Gates. Báo cáo mới đây của tạp chí khoa học PLOS Neglected Tropical Diseases về ngoại giao vaccine đã đưa ra cái nhìn toàn diện và những triển vọng phát triển của kênh ngoại giao nhân đạo này.
Lịch sử huy hoàng
Năm 1798, bác sĩ học việc người Anh Edward Jenner là người phát hiện ra cách tiêm dịch nốt đậu bò (cowpox) vào người bị đậu mùa để trị “căn bệnh của quỷ” đã cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người dân châu Âu mỗi năm trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Thuật ngữ vaccine cũng ra đời từ đây với từ gốc Latinh là Vacca (nghĩa là Bò). Với danh tiếng của người tìm ra cách tiêu diệt đại dịch đậu mùa đang hoành hành tại châu Âu và châu Mỹ, từ năm 1800-1805, Edward Jenner được Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Mexico và người Mỹ bản địa mời làm tư vấn để sản xuất và bảo quản vaccine bệnh đậu mùa. Cha đẻ của vaccine sau đó cũng trở thành người đầu tiên sử dụng công cụ “ngoại giao vaccine” khi trong giai đoạn cuộc chiến Napoleon giữa Pháp và Anh (1803-1815), ông đã dùng uy tín quốc tế của mình để kêu gọi Anh và Pháp thả tự do cho các tù nhân. Nước Pháp sau đó vinh danh Jenner còn Hoàng đế Napoleon từng nói: “Jenner - chúng ta không thể từ chối con người này bất cứ điều gì”.
Bé gái được tiêm vaccine. (Nguồn: babycenter). |
Ngoại giao vaccine sau đó cũng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô có nhiều hợp tác trong nghiên cứu vaccine. Từ năm 1956 - 1959, các chuyên gia Mỹ - Xô đã hợp tác cùng phát triển nguyên mẫu loại vaccine bại liệt uống (OPV) và thử nghiệm trên 10 triệu trẻ em Liên Xô và sau đó là 100 triệu người dưới 20 tuổi. Sự hợp tác thành công này đã thuyết phục hai siêu cường đặt sang một bên những khác biệt trong hệ tư tưởng để duy trì trao đổi cùng nghiên cứu về khoa học, y tế, trong đó có vaccine. Năm 1962-1966, Liên Xô tiên phong trong kỹ thuật đông khô vaccine bệnh đậu mùa và cung cấp 450 triệu liều vaccine cho chiến dịch diệt trừ bệnh đậu mùa toàn cầu - thành tích đó đều nhờ hỗ trợ tài chính quan trọng của Mỹ. Nhờ có hợp tác của hai siêu cường, thế giới đã có thể tận diệt dịch bệnh đậu mùa vào năm 1970 - cũng được xem là một thành tựu lớn của ngoại giao vaccine.
Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, ngoại giao vaccine phát triển mạnh mẽ với Dự án Ngừng bắn Nhân đạo - Sức khỏe là cầu nối Hòa bình (HCFP) của WHO. Vaccine và tiêm chủng được sử dụng làm điều kiện đàm phán để hình thành nên những “ngày yên bình” cho nhiều quốc gia đang có giao tranh trong khoảng thời gian từ 1980 - 1990 như: Afghanistan, Angola, Chechnya, Congo, El Salvador, Guinea Bissau, Iraq, Lebanon, Philippines, Sierra Leone, Sri Lanka và Sudan.
Con đường tương lai
Năm 2012, 194 quốc gia thành viên tại Hội đồng Y tế Thế giới đề ra Kế hoạch Hành động Vaccine toàn cầu (GVAP) như là “một khuôn khổ để ngăn chặn hàng triệu người chết vào năm 2020 thông qua việc tạo điều kiện tiếp cận vaccine công bằng cho mọi cộng đồng”. Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới năm đó công nhận quyền được sử dụng vaccine là quyền lợi sức khỏe cơ bản của con người. Trong năm 2007, dưới sự bảo trợ của WHO và Kế hoạch hành động Toàn cầu chống đại dịch Cúm (GPIAP), sáu nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Thái Lan và Việt Nam được Mỹ, Nhật Bản tài trợ cho công tác thiết lập năng lực tự sản xuất vaccine cúm nội địa. Hỗ trợ này không chỉ giúp các nước hữu quan nâng cao khả năng bảo vệ sức khỏe công dân mà còn là cơ hội mở rộng và phát triển kênh ngoại giao vaccine toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc hợp tác cùng nghiên cứu vaccine cũng có thể trở thành trung gian, cầu nối giữa các quốc gia đang có tranh chấp. Tại châu Á, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam đều có khả năng tự phát triển và sản xuất vaccine. Tuy nhiên các quốc gia này cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại, như việc Trung Quốc và Ấn Độ công khai đối đầu do các tranh chấp biên giới và cạnh tranh kinh tế từ năm 1964; cùng với đó là những tuyên bố lãnh thổ gây tranh cãi của Bắc Kinh gần đây trên Biển Đông và Biển Hoa Đông có liên đới tới Việt Nam, Nhật Bản. Các nhà ngoại giao kỳ vọng Viện nghiên cứu Vaccine Quốc tế (IVI) có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) có thể làm cầu nối trung gian ngoại giao giúp các quốc gia này tăng cường trao đổi và hợp tác nghiên cứu vaccine - điều có thể cải thiện mối quan hệ song phương như thời Chiến tranh Lạnh.
Có thể không ai phản đối việc vaccine là một trong những “vũ khí” mạnh mẽ nhất của nhân loại, giúp xóa bỏ đại dịch đậu mùa và bại liệt - hai trong mười đại dịch nguy hiểm nhất thế giới đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Song hành với đó, kênh “ngoại giao vaccine” cũng sớm trở nên hiệu quả trong việc sử dụng lợi ích bảo vệ sức khỏe toàn cầu của vaccine để thương thảo, đàm phán với các quốc gia trên thế giới. Với lịch sử huy hoàng và tương lai rộng mở, ngoại giao vaccine sẽ trở thành một kênh ngoại giao quan trọng mà các quốc gia cần vận dụng và phát triển.