📞

WTO: Xung đột Nga-Ukraine 'giáng đòn mạnh' vào nền kinh tế toàn cầu

Chu Văn 09:38 | 12/04/2022
Theo WTO, về lâu dài, xung đột Nga-Ukraine có thể khiến GDP của thế giới giảm 5%, đồng thời làm giảm một nửa tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ 4,7% (tháng 10/2021) xuống còn 2,4-3%.
WTO cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine có thể châm ngòi cho việc phân rã nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt. (Nguồn: AFP)

Ngày 11/4, Ban thư ký Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đưa ra báo cáo phân tích đầu tiên về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine trước khi công bố dự báo thương mại thế giới toàn cầu. WTO nhận định, cuộc xung đột đã "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế thế giới.

Nguy cơ phân rã nền kinh tế toàn cầu

Dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, WTO dự báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm 0,7-1,3% xuống còn 3,1%-3,75% trong năm 2022. Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50% của mức dự báo 4,7% hồi tháng 10/2021, xuống còn khoảng 2,4-3%.

Báo cáo cho biết, cuộc xung đột đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của Nga và Ukraine.

Mặc dù tỷ trọng của hai nước trên trong thương mại và sản lượng thế giới nói chung là tương đối nhỏ, nhưng đây là những nhà cung cấp quan trọng của thị trường các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng.

Cả hai quốc gia cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% xuất khẩu sản phẩm hướng dương trong năm 2019. Riêng Nga còn chiếm 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.

Cũng theo phân tích, châu Âu, điểm đến chính của cả hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine, có thể sẽ phải hứng chịu tác động kinh tế. Gián đoạn trong vận chuyển các lô hàng ngũ cốc và thực phẩm khác cũng sẽ làm tăng giá nông sản.

Châu Phi và Trung Đông là những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì đều nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và Nga.

WTO cảnh báo, cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực quốc tế vào thời điểm mà giá lương thực đã ở mức cao trong lịch sử do đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác.

Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp đầu vào chính của chuỗi giá trị công nghiệp. Theo đó, Nga là một trong những nhà cung cấp palladium và rhodium toàn cầu - những nguyên tố quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô.

Trong khi đó, sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào khí neon do Ukraine cung cấp. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.

Về dài hạn, WTO cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine thậm chí có thể châm ngòi cho việc phân rã nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt.

Các biện pháp trừng phạt có thể khiến các nền kinh tế lớn tiến tới "chia tách" dựa trên các cân nhắc địa chính trị, với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại.

Các tổ chức tư nhân cũng có thể quyết định giảm thiểu rủi ro bằng cách định hướng lại chuỗi cung ứng. WTO cảnh báo rằng, thiệt hại đối với thu nhập từ sự phát triển theo chiều hướng như vậy "sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển".

Ở cấp độ toàn cầu, xu hướng này có thể làm giảm khoảng 5% GDP trong dài hạn thông qua việc hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới, dẫn tới việc GDP có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn.

Trước đó, này 4/4, Tổng Giám đốc điều hành ngân hàng Deutsche Bank của Đức Christian Sewing cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái nghiêm trọng nếu ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Theo ông Sewing, các ngân hàng Đức dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay sẽ giảm mạnh, vào khoảng 2% do cuộc xung đột ở Ukraine.

Châu Á tổn thất

Trước tình hình trên, ông Changyong Rhee, Giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng căng thẳng Nga-Ukraine đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế châu Á, vốn đã phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron lây lan mạnh và phải hứng chịu các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Theo ông Changyong Rhee, IMF đang xác định tác động của căng thẳng Nga-Ukraine qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn chưa có con số chính xác. Ông lưu ý rằng kênh quan trọng nhất có sức tác động đến nền kinh tế châu Á là giá hàng hóa, nhất là giá dầu.

Căng thẳng Nga-Ukraine càng kéo dài càng khiến giá dầu biến động. Với sự biến động của giá dầu, tác động đến nền kinh tế châu Á có thể thay đổi “khá nhiều.”

IMF hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2022 từ 3,3% xuống còn 2,4%, với lý do bất ổn đang gia tăng do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng trong năm tới từ 1,8% lên 2,3%.

Trong báo cáo công bố ngày 7/4, IMF khẳng định, đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ tiếp tục trong năm nay sau khi đã trải qua suy thoái vì dịch Covid-19 nhờ sự hỗ trợ của chính sách tài khóa mạnh và những tiến bộ vững chắc trong chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19.

Còn với Ấn Độ, ngân hàng trung ương nước này ngày 8/ 4hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong khi nâng dự báo lạm phát, với lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể cản trở quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 vốn mới bất đầu.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ dự báo kinh tế tăng trưởng 7,2% trong năm tài chính 2022-2023, giảm so với dự báo 7,8% trước đó.

Dự báo lạm phát cùng kỳ được điều chỉnh lên thành 5,7% so với mức 4,5% đưa ra 2 tháng trước. Người đứng đầu Ngân hàng trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết, nước này đang đối mặt với những thách thức mới rất lớn, đồng thời gọi cuộc xung đột ở Ukraine là một thay đổi địa chấn.

(tổng hợp)