Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế trở thành minh chứng sống động cho nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. (Nguồn: Mia.vn) |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam trở nên vô cùng quan trọng. Văn hóa không chỉ là dấu ấn của lịch sử và truyền thống dân tộc mà còn là yếu tố then chốt giúp khẳng định vị thế của một quốc gia trên bản đồ thế giới.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa giúp người Việt Nam tự hào về cội nguồn, truyền thống và lịch sử dân tộc, đồng thời là cách bảo vệ giá trị tinh thần trước sự “xâm nhập” của các nền văn hóa ngoại lai. Điều này càng quan trọng khi toàn cầu hóa có thể dẫn đến đồng hóa, làm mất dần nét độc đáo của mỗi dân tộc.
Bản sắc văn hóa riêng có sẽ dễ dàng tạo ra sức hút và ấn tượng trong giao lưu, hợp tác quốc tế. Văn hóa Việt không chỉ là yếu tố mềm thúc đẩy ngoại giao mà còn là tiềm năng cho du lịch, kinh tế và các ngành công nghiệp sáng tạo. Từ áo dài, phở, nón lá đến các làn điệu dân ca, nghệ thuật truyền thống đều là những đại diện cho tinh thần và tâm hồn Việt Nam. Vì vậy, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa không chỉ là việc bảo tồn di sản mà còn là trách nhiệm với tương lai.
Có thể nói, bản sắc văn hóa chính là kho báu vô giá mà mỗi người con đất Việt được thừa hưởng và mang theo bên mình. Đó là những giá trị trường tồn qua hàng nghìn năm lịch sử, gắn kết người Việt Nam với cội nguồn và cũng là sức mạnh đưa dân tộc vươn xa trong thế giới hội nhập. Mỗi giá trị văn hóa không chỉ phản ánh truyền thống mà còn là niềm tự hào, sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại với tương lai.
Những làn điệu dân ca, nhã nhạc cung đình, những vở chèo, tuồng, cải lương hay các lễ hội truyền thống mang trong mình hồn cốt của dân tộc. Đó không chỉ là di sản cần được bảo tồn mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo và giao lưu văn hóa với thế giới. Mỗi người Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu, đều mang trong mình một phần di sản ấy, là cầu nối để quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.
Nếu coi bản sắc văn hóa Việt Nam là "tấm hộ chiếu" đặc biệt của người Việt khi bước vào hội nhập quốc tế, thì đó không chỉ là một biểu tượng, mà là tập hợp của những giá trị độc đáo, sâu sắc và trường tồn, phản ánh bản chất, tinh thần và sự sáng tạo của dân tộc.
Tôi cho rằng, trong hành trình xây dựng "hộ chiếu văn hóa" Việt Nam và tạo nên một nền văn hóa độc lập, tự cường, thì thế hệ trẻ Việt Nam đóng vai trò tiên phong và nòng cốt. Họ chính là những người mang trong mình năng lượng mới, khát khao sáng tạo và là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.
Trước hết, thế hệ trẻ chính là người giữ lửa và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, làm sống động và đưa các giá trị ấy hòa nhập với thời đại. Bằng cách tiếp cận mới mẻ, họ biết khai thác nền tảng số, mạng xã hội để truyền tải những nét đẹp văn hóa ra khắp thế giới.
Người trẻ còn là những đại diện của sự sáng tạo và đổi mới, giúp nền văn hóa Việt không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập. Họ mang trong mình tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ, sẵn sàng tiếp thu các giá trị tiến bộ từ quốc tế, đồng thời không ngại thử nghiệm, đổi mới các hình thức nghệ thuật, văn hóa đương đại. Những bộ phim, tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật của thế hệ trẻ hiện nay vừa thể hiện tài năng, cá tính vừa phản ánh những câu chuyện, tư duy về đất nước, con người và bản sắc Việt trong thời đại mới.
Hơn thế nữa, người trẻ còn là lực lượng nòng cốt trong việc lan tỏa giá trị văn hóa ra thế giới, trở thành những "đại sứ văn hóa" thông qua các hoạt động giao lưu, học tập, làm việc tại nước ngoài. Trong một thế giới đầy biến động, các giá trị truyền thống đôi khi bị lu mờ bởi “làn sóng” hiện đại hóa, toàn cầu hóa, giới trẻ chính là người giữ vững bản sắc, làm giàu văn hóa Việt bằng cách thổi vào đó sức sống mới.