📞

Xu thế mới trong chơi cây ngày Tết

00:00 | 04/02/2016
Không chỉ mang lại vẻ đẹp ngày Tết, mai, đào, quất còn là những cây phong thủy, mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an, may mắn trong năm mới. Đối với nhiều người, chúng dường như là tác phẩm "nghệ thuật sống" trong không gian ngày Tết.
Tết Bính Thân, hoa đào, quất, Tứ Liên,

Quất vàng nở rộ chào năm mới

Mai, Đào khoe sắc đón Xuân sang

Trong những năm gần đây, cuộc sống người dân thành thị ngày càng phát triển, nhu cầu văn hóa tinh thần vì thế cũng trở nên phong phú và tinh tế hơn. Xu thế chơi cây Tết truyền thống đã chuyển từ những cây đào, mai, quất trong chậu lâu nay sang trồng trong bình, lọ với nhiều dáng, thế khác nhau. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Cây cảnh - Quất cảnh Nghệ thuật Tứ Liên cho biết, kiểu trồng này đẹp song khó gấp mười lần các cách trồng cây cảnh khác.

Bình, lọ cây Tết truyền thống

Xu thế chơi cây Tết truyền thống trồng trong bình, lọ đã manh nha từ năm 2005. Nhưng phải năm năm sau, hình ảnh của những cây đào, mai, quất trong bình, lọ mới được người chơi hoa Tết biết đến nhiều hơn.

Với bàn tay khéo léo, những người trồng cây Tết ở làng Tứ Liên đã cắt tỉa, uốn nắn thành công ngày càng nhiều cây trong bình có dáng đẹp để đưa ra thị trường mỗi độ Xuân sang.

Các cây mai, đào trồng trong bình, lọ phải có dáng trực (mọc vươn lên) hoặc dáng huyền (mọc xuống). Mai, đào có nhiều thế: thăng long (rồng bay), long giáng (rồng lượn xuống), thác đổ, phụ tử, mẫu tử, song thụ (hai cây to đứng song song), lão mai - tiểu đồng (cây to trước, cây bé sau)… Không chỉ có dáng đẹp, một cây đạt yêu cầu xuất ra thị trường còn phải có đầy đủ hoa, nụ, lá và lộc.

Các cây quất trong bình, lọ thường được tạo dáng như: lưỡng long chầu nguyệt, thác đổ đón Xuân, nghênh Xuân (vươn lên mạnh mẽ), tùng hạc diên niên (một cây mọc đứng, một nhánh uốn lượn), trái tim, cung đàn mùa Xuân (dáng tròn đầy đặn), long phượng vần vũ (Cây mọc cao, cây thấp uốn lượn)… Cây quất phải đạt năm tiêu chí (ngũ quý): Có hoa, quả xanh, quả vàng, lá to xanh và lộc.

Làm tốt để giữ thương hiệu

Năm 2013, một tin vui đã đến với người dân Tứ Liên khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận thương hiệu "Quất cảnh Tứ Liên". Trồng đào, mai, quất bình thường đã chẳng phải là việc dễ dàng. Trồng trong bình, lọ còn khó hơn bội phần vì không gian nhỏ hẹp và phải thật sạch để người sử dụng có thể đặt được ở những vị trí cao và đẹp, thậm chí để trên ban thờ ngày Tết.

Ông Nguyễn Văn Sơn, thành viên của Hội Cây cảnh - Quất cảnh Nghệ thuật Tứ Liên - một trong hai hộ ở Tứ Liên trồng nhất chi mai (hoa mai trắng, lúc còn nụ có màu phớt hồng) chia sẻ: "Năm trước, tôi chú trọng nhiều vào dáng cây và trồng mai trong những bình gốm Phù Lãng với chất "xương" đất sét đỏ, sao cho thể hiện được cốt cách phong trần của nhất chi mai. Năm nay, tôi tuyển những cặp mai dáng đẹp trông gần giống nhau trồng vào đôi bình làm từ chất liệu "xương" đất sét xanh Thổ Hà và đôi bình đất sét trắng Bát Tràng để làm cặp nhất chi mai uyên ương hay cặp vua và hoàng hậu…".

Là người được mệnh danh là “con chim đầu đàn” trong Hội cây cảnh - quất cảnh Nghệ thuật Tứ Liên, ông Bùi Văn Mạnh ban đầu cũng chỉ dám trồng một phần năm số cây mà ông có vào trong bình và lọ. Sau khi đã đúc rút ra một số kinh nghiệm với kiểu trồng và tạo dáng mới này, ông mới tăng số lượng cây trong lọ, bình. Theo ông Mạnh, "Mình làm ít nhưng đẹp thì mới giữ vững thương hiệu quất cảnh Tứ Liên mà mọi người đã tin tưởng vinh danh chứ ".

Bà Nguyễn Kim Ngọc, chủ của thương hiệu Mai thế Ngọc Sơn bộc bạch: "Có người trồng vào bình, lọ, kỹ thuật chưa cao, kinh nghiệm trồng cây chưa có nên nhiều cây bị chết. Nếu để đất “tốt” quá, cây sẽ bị mất dáng. Nhưng nếu không có đất “tốt”, cây sẽ chết tay, chết tán, giá trị thấp... Vì vậy, vợ chồng tôi và các anh em đã cùng tập hợp tại Hội Cây cảnh - Quất cảnh Nghệ thuật Tứ Liên để chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết, giúp nhau cùng phát triển. Từ đó mà cây Tết làng Tứ Liên mới giữ được thương hiệu.