Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất hiện giả thuyết phủ nhận lỗ đen

Giáo sư Laura Mersini-Houghton của Đại học North Carolina (Mỹ) đang gây xôn xao giới học giả khi phủ nhận sự tồn tại của lỗ đen và tuyên bố bà có bằng chứng toán học chứng minh điều này.

Từ nhiều năm nay, giới khoa học vẫn luôn cho rằng, khi một ngôi sao lớn gấp nhiều lần Mặt Trời kết thúc vòng đời, nó sẽ sụp đổ bởi sức ép từ lực hấp dẫn riêng, tạo thành một điểm duy nhất trong không gian. Đó chính là một điểm kỳ dị, từ đó tạo ra một hố đen - vùng không gian với mật độ vật chất dày đặc đến nỗi kể cả ánh sáng cũng không thể thoát ra được.

Tuy nhiên, nếu phát hiện này đúng thì các chuyên gia vật lý có thể buộc phải từ bỏ giả thuyết trước đây về cách thức vũ trụ được hình thành.

Giáo sư Mersini-Houghton lý giải, khi một ngôi sao chết đi, nó sẽ giải phóng một loại bức xạ được gọi là bức xạ Hawking - được đặt theo tên của Giáo sư Stephen Hawking, người đã dự đoán về hiện tượng này. Bà Mersini-Houghton tin rằng, ngôi sao cũng sẽ mất dần khối lượng, đến mức không đủ tỷ trọng để hình thành một lỗ đen. Trước khi hố đen được hình thành thì ngôi sao đang hấp hối đã phình ra và phát nổ. Điểm kỳ dị này từng được giới khoa học dự đoán nhưng chưa bao giờ được hình thành.

Nghiên cứu cũng làm dấy lên câu hỏi về tính xác thực của học thuyết Big Bang. Hầu hết nhà vật lý đều nghĩ rằng vũ trụ được khởi tạo từ một điểm kỳ dị mà sau đó bắt đầu nở ra nhờ vụ nổ Big Bang từ khoảng 13,8 tỷ năm trước. Nếu như không hề có sự tồn tại của điểm kỳ dị thì học thuyết này cũng sẽ bị đặt những nghi vấn.

Lỗ Đan (theo DailyMail)