Bloomberg tin "cường quốc xuất khẩu" Việt Nam sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng
Theo Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam "chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu tăng trưởng năm 2022", vì kết quả tăng trưởng quý 2 tốt hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi trên diện rộng của "cường quốc xuất khẩu khu vực Đông Nam Á".
Bloomberg cho biết GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, vượt qua mục tiêu 6% - 6,5% của Chính phủ. Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế đã tăng trưởng 7,72% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó.
Con số này cao hơn so với ước tính trung bình về mức tăng 5,9% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học và là mức cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2013.
Theo Bloomberg, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này sẽ là lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ. (Nguồn: Cafe F) |
Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức rất cao trong 6 tháng tới vì mọi lĩnh vực đang phục hồi mạnh mẽ. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này sẽ là lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Kết quả tăng trưởng quý 2 đã giúp nâng mức tăng trưởng trong nửa đầu năm lên 6,42% so với 1 năm trước, vượt qua dự báo của Tổng cục Thống kê về tốc độ 5,5%.
Bloomberg đánh giá, nền kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng và chính sách tiền tệ dễ dàng khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành một trong số ít ngân hàng trên thế giới không rơi vào vòng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Điều đó đã giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam - quốc gia Đông Nam Á vốn đang nổi lên như một điểm đến thay thế hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại bị gián đoạn do Trung Quốc phong tỏa chống dịch Covid-19, xung đột ở một số vùng trên thế giới cũng như căng thẳng kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý đến lạm phát. Giá tiêu dùng đã tăng trong năm nay, chạm mức 3,37% vào tháng 6, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát trung bình năm 2022 là 4%.
“Sự phục hồi kinh tế vẫn mạnh mẽ bất chấp những bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn nên cảnh giác trước rủi ro lạm phát liên quan đến tình trạng tăng giá nhiên liệu và nhập khẩu”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong báo cáo tháng 6 về Việt Nam.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tôm đạt gần 6 tỉ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù tăng trưởng đang chững lại nhưng xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 vẫn mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỉ USD (tương đương với tháng 5) và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 2/2022, doanh số của ngành này đạt trên 3,2 tỉ USD, cao hơn gần 36% so với 2,4 tỉ USD cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, với ngành tôm, xuất khẩu trong tổng 6 tháng đạt 2,3 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thủy sản.
Lạm phát giá và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp tôm trong giai đoạn hiện nay. Nhưng một số doanh nghiệp chọn giải pháp tăng tỉ lệ tôm chế biến có giá trị gia tăng để bán sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU, khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm.
Với cá tra, xuất khẩu của cả nước nửa đầu năm nay đạt trên 1,4 tỉ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 doanh số xuất khẩu thủy sản. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 220 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ; sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần; sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
Tương tự, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43%. Tổng xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm tăng 56%, đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% xuất khẩu thủy sản. Nguyên nhân là cá ngừ được ưa chuộng mạnh ở thị trường Mỹ nên sức tiêu thụ lớn, tăng trưởng cao.
Với sản phẩm nhuyễn thể chân đầu, nửa đầu năm có kim ngạch 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu mực đạt 197 triệu USD, tăng 45%; xuất khẩu bạch tuộc đạt 147 triệu USD, tăng 12%. Các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và các loại cá khác, xuất khẩu đều đạt tăng trưởng 11-54% so với 6 tháng năm 2021.
Sản xuất theo chuỗi giúp hàng Việt tránh rủi ro khi xuất khẩu
Truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới bàn ăn, sản xuất theo chuỗi là "chìa khoá" để doanh nghiệp tránh rủi ro khi xuất khẩu. Nội dung trên được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu tại hội thảo mới đây về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp là hình thức liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để tránh rủi ro khi xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm từ các yếu tố đầu vào đến nơi tiêu thụ. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị thu hồi sản phẩm, hay kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Hiện nhiều thị trường xuất - nhập khẩu thực phẩm chế biến ngày một khắt khe hơn trong quản lý an toàn thực phẩm. Chẳng hạn với thị trường EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đưa ra các ưu đãi về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt, nhưng khu vực này cũng có nhiều quy định khác về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, nhất là với nông sản.
Theo ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & công nghệ (Bộ Công Thương), do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, ngay cả với những tập đoàn đa quốc gia uy tín.
Ông dẫn chứng, một số nước thuộc liên minh châu Âu (EU) vừa qua kiểm tra phát hiện và thu hồi một số lô mỳ ăn liền nhập từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng. Bởi từ tháng 1 năm nay, EU đã áp dụng quy định khắt khe hơn về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm mỳ ăn liền từ Việt Nam xuất sang thị trường này.
Từ 3/7 tới, EU sẽ gỡ biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm với bún, miến, phở khô từ Việt Nam, nhưng mỳ ăn liền, thanh long vẫn chịu các biện pháp kiểm soát như vậy.
Tương tự, một số nước khác như Trung Quốc cũng đưa ra các quyết định chặt chẽ hơn về nguồn gốc hàng nông sản nhập vào thị trường này từ cuối năm ngoái. Tức là, các loại nông sản, trái cây muốn xuất khẩu sang Trung Quốc ngoài những giấy tờ xuất khẩu thông thường, còn phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc trên bao bì.
Hiện 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc phải đảm bảo các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck, cách để doanh nghiệp tránh thiệt hại là họ phải chủ động thích ứng, chuyển đổi và chuẩn hoá chuỗi giá trị sản xuất.
"Việc truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất. Nhà sản xuất cũng có thể khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố", ông nói.
Tuy nhiên, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, trước tiên doanh nghiệp cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã này, là "ghi lại nhật ký điện tử quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối...".
Chanh leo Việt Nam xuất khẩu thí điểm sang thị trường Trung Quốc từ 1/7
Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng...
Chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Phía bạn đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra trong các lô hàng xuất khẩu. Phía bạn cũng đề nghị, việc sản xuất chanh leo phải đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc...
Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.
Chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam tăng hơn 300%. Hiện xuất khẩu chanh leo của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.