Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trên 6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,7 tỷ USD. (Nguồn: TTXVN) |
EVFTA thúc đẩy tăng tưởng xuất khẩu trong bối cảnh Covid-19 phức tạp
Trao đổi tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 3/11, ông Phạm Văn Long cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trên 6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,7 tỷ USD. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế EU trong quý 2/2021 đồng thời việc giảm thuế quan giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt, thép và các sản phẩm từ nhựa, cao su. Mặt khác, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD.
“Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của EVFTA”, ông Long đánh giá.
Hoàn tất đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách theo quy trình đăng ký nhanh.
Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương trên cả nước về các quy định mới của thị trường nhập khẩu quan trọng này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tích cực trao đổi, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm cung cấp hướng dẫn quy trình triển khai cụ thể các Lệnh nêu trên.
Để tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng “Chuyên trang đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương” và tổ chức “Hội nghị trực tuyến phổ biến những thông tin về quy định mới của Trung Quốc” ngày 27/10/2021 để hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.
10 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 13%
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 74,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu ước đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước khoảng 35,56 tỷ USD, tăng 39,1%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản gần 3,19 tỷ USD, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 4,2% so với tháng trước đó.
Tính chung 10 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%.
Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm càphê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… Đặc biệt là cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả số lượng và giá trị xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42,8% thị phần, châu Mỹ 30%, châu Âu 11,4%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,5%.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 10,8 tỷ USD, chiếm 27,9% thị phần; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với gần 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% thị phần, riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD, chiếm 6,8% và nhóm sản phẩm gỗ chiếm 43,4%.
Xuất khẩu ô dù, vali, túi, mũ nhiều cơ hội phục hồi
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hàng vali, túi xách, mũ, ô dù sẽ tăng trở lại khi nhu cầu thế giới phục hồi, đặc biệt sang thị trường châu Âu - EU và Mỹ.
Theo đó, việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn EU đã tạo ra giấy thông hành tốt để người dân khu vực này có thể đi lại tự do giữa các nước. Nhờ đó, ngành du lịch sẽ tăng trưởng trở lại, kéo theo nhu cầu các mặt hàng này tăng lên.
Tương tự, xuất khẩu vali, túi xách, mũ, ô, dù của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là nhu cầu mặt hàng này tại Mỹ tăng, cộng với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi sau thời gian gián đoạn.
Hiện EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu vali, túi xách, mũ, ô dù chủ yếu của Việt Nam, chiếm 65,8% tổng kim ngạch. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường EU trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 489 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ 2020. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ cùng giai đoạn tăng 4,5%.
Việt Nam là nhà xuất khẩu vali, túi xách, mũ, ô dù lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và EU. Nhóm hàng này được xếp vào nhóm có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, chiếm khoảng 1,1-1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm này biến động mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt ảnh hưởng của Covid-19 hai năm qua. Song, trong thời gian tới, Việt Nam có thể mở rộng thị phần hàng vali, túi xách, mũ, ô, dù tại EU nhờ những lợi ích từ Hiệp định EVFTA.
Dù xuất khẩu thép tăng 130% nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu. (Nguồn: TTXVN) |
Xuất khẩu thép tăng 130% nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu
Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn với trị giá 1,4 tỉ USD. Và đây là tháng thứ ba liên tiếp nguồn thu từ xuất khẩu thép các loại đạt trên 1 tỉ USD, đưa xuất khẩu nhóm hàng này quý III/2021 lên mức cao kỷ lục với 3,93 tỉ USD, tăng 94,6% so với quý I/2021 và tăng 57,7% so với quý II về trị giá.
Dù kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng cao nhưng trong cùng thời gian trên đất nước cũng chi một số tiền khá lớn để nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Dữ liệu của cơ quan hải quan cũng cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước chi đến 8,67 tỉ USD để nhập khẩu sắt thép các loại. Như vậy, tính ra trong 9 tháng, Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 240 triệu USD từ nhóm mặt hàng này.
Lý giải về việc phải nhập siêu lượng sắt thép nói trên, theo giới phân tích, ngành công nghiệp nặng này đang tồn tại một nghịch lý mà lâu nay chưa giải quyết được, đó là tình trang thừa nguồn cung thép xây dựng nhưng lại thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào.
Trước đó, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ rõ điểm hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.
Cụ thể một số sản phẩm xuất khẩu cao gồm tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội, thép HCR, thép hợp kim, … phải nhập khẩu nhiều.
Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Do còn phụ thuộc quá nhiều đến nguồn nguyên liệu bên ngoài nên đây được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới. Điều này cũng lý giải phần nào về đợt giá thép tăng chóng mặt trong 6 tháng đầu năm nay, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng lao đao và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.