Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 10-12/6: Châu Phi vẫn 'khát' nông sản Việt; động lực mới từ các FTA

Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn thứ 2 của Trung Quốc, các FTA đang tạo đà cho xuất khẩu, châu Phi "khát" nông sản Việt... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 10-12/6.
Xuất khẩu ngày 10-12/6: Châu Phi vẫn 'khát' nông sản Việt; động lực mới từ các FTA
Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc. (Nguồn: Báo Công Thương)

Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn thứ 2 của Trung Quốc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 4,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Trong thời gian này, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ một số thị trường như: Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Bờ Biển Ngà… Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 721,51 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 chiếm 15,5%, giảm so với mức 16,6% của 4 tháng đầu năm 2021.

Tin liên quan
Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cao su hàng đầu của Hàn Quốc Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cao su hàng đầu của Hàn Quốc

Mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.

Về chủng loại, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Lào, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 7 cho Trung Quốc với 70,65 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 4,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 6,8% của 4 tháng đầu năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho thị trường Trung Quốc với 645,41 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 34,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 36,3% trong 4 tháng đầu năm 2021.

Trong thời gian này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia… so với cùng kỳ năm 2021.

Lạng Sơn lập "vùng xanh" để giải quyết ùn ứ cửa khẩu

Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên với chính sách “Zero-Covid”, phía Trung Quốc tiếp tục triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao và nghiêm ngặt như phong tỏa các khu vực có ca lây nhiễm Covid-19, vẫn tạm dừng hoạt động thông quan tại nhiều cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn - Quảng Tây khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, các cửa khẩu khác hiện đang duy trì hoạt động cũng bị ảnh hưởng.

Với mục tiêu hạn chế những ảnh hưởng bởi chính sách phòng chống dịch của phía bạn đối với các cửa khẩu đang hoạt động, cải thiện tình trạng thông quan còn cầm chừng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trao đổi, thống nhất với phía Quảng Tây - Trung Quốc xây dựng, triển khai và thường xuyên điều chỉnh các phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, triển khai phương án thiết lập “vùng xanh” đảm bảo phòng, chống dịch phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu đường bộ trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Công Thương thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, lưu lượng phương tiện, khả năng thông quan tại các cửa khẩu, phương án phòng chống dịch… hằng ngày theo nhiều phương thức để khuyến cáo tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn được biết và chủ động điều tiết.

Chia sẻ cụ thể về phương án thiết lập "vùng xanh", đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn mới đây đã ban hành Phương án số 25/PA-UBND về việc thiết lập “vùng xanh” đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma, nhằm tạo sự tin tưởng của phía bạn về công tác phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nội dung phương án gồm: Phân luồng phương tiện; kiểm soát người vào, ra “vùng xanh” an toàn; xử lý khi có F0 và các trường hợp vi phạm...

Trong bối cảnh năng lực thông quan chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, khi nhiều loại hoa quả đang vào vụ mùa thu hoạch như: Vải, thanh long, xoài… để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả không bị ùn ứ, lưu bãi trong thời gian dài, rõ ràng cần những giải pháp căn cơ hơn với sự vào cuộc của nhiều bên.

Trước mắt, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thông tin tới các doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất, vận tải, xuất khẩu hàng hóa... về phương án thiết lập “vùng xanh” của tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, về lâu dài, các tỉnh, thành phố cần tăng cường triển khai công tác hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Châu Phi vẫn "khát" nông sản Việt

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,15 tỉ USD, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đạt 2,24 tỉ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi là gạo (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi). Vấn đề an ninh lương thực vốn được các nước châu Phi quan tâm và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Do đó, gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Bên cạnh gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dù có nhu cầu lớn, nhưng theo các chuyên gia, khi làm ăn tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh của thị trường cũng như các quy định pháp lý để tránh rủi ro.

Tình trạng lừa đảo ở các nước châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục, hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn…

Xuất khẩu ngày 10-12/6: Châu Phi vẫn 'khát' nông sản Việt; động lực mới từ các FTA

Các FTA tạo động lực mới cho xuất khẩu

Các FTA mà Việt Nam ký kết được thực thi đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn, cùng với những cam kết tạo thuận lợi, giảm thiểu các rào cản về thương mại sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh xuất khẩu.

RCEP là FTA thế hệ mới với sự tham gia của các nước ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, đều là những đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) đánh giá, RCEP đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực; giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên nhờ việc nới lỏng bộ quy tắc xuất xứ, giúp tăng khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa.

Tin liên quan
Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, tận dụng tối đa lợi ích các FTA Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, tận dụng tối đa lợi ích các FTA

Ví dụ, đối với mặt hàng thủy sản, các FTA trước đây, như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, trong khi RCEP quy định về quy tắc xuất xứ theo hướng hợp nhất các FTA ASEAN+1.

Có thể thấy rõ những tác động tích cực này qua kết quả xuất khẩu vào Australia. Bà Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại

Australia thông tin, nhờ lợi ích từ RCEP, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Từng ngành hàng, doanh nghiệp nỗ lực phát huy lợi thế từ các FTA đã góp phần đáng kể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 2 con số. Theo Báo cáo Sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều ghi nhận sự tăng trưởng.

Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua hệ thống 15 FTA đã có hiệu lực tiếp tục là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ; xuất siêu tăng gần 47%, đạt 13,4 tỷ USD.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới có FTA với Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Canada tăng gần 30%; sang Mexico tăng 21%; sang Peru tăng 12,2%; sang New Zealand tăng 24,7% và sang Australia tăng tới 33,2%.

Xuất khẩu ngày 23-27/5: Nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD; nông sản Mỹ 'được lòng' người tiêu dùng Việt

Xuất khẩu ngày 23-27/5: Nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD; nông sản Mỹ 'được lòng' người tiêu dùng Việt

Xuất khẩu "hụt hơi", 35% giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là hàng nông sản; Xuất khẩu “hụt hơi”, nhập siêu lên ...

Tìm hướng đi cho thủy sản Việt Nam sang thị trường RCEP

Tìm hướng đi cho thủy sản Việt Nam sang thị trường RCEP

Ngày 27/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước RCEP tổ chức ...

(tổng hợp)