Thông tư số 33 quy định, trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị. Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Từ 15/7, Thông tư 33 chính thức có hiệu lực
Từ ngày mai (15/7), Thông tư 33 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực, với nhiều điểm mới.
Theo đó, Thông tư số 33 quy định, trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị.
Hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ gồm: 1 bản chính Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 1 bản chụp Bảng kê khai chi phí sản xuất và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu trong nước trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác; 1 bản chụp quy trình sản xuất hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần (nếu có); 1 bản chụp Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ nêu trên đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn quy định tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Tổng cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 28, Luật Hải quan và khoản 11, Điều 1, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
Đối với việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong thông quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (nếu có), chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) và xử lý như sau:
Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì chấp nhận xuất xứ hàng hóa;
Trường hợp Chi cục Hải quan có đủ căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa không đúng theo nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì xử lý theo quy định và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC;
Trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có cơ sở nghi ngờ xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc có thông tin cảnh báo về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì thực hiện như sau: Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo phương thức, mức độ do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định;
Đề nghị người khai hải quan trong thời hạn 10 ngày phải nộp 1 bản chụp một trong các tài liệu sau để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu: Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có); trường hợp áp dụng tiêu chí xuất xứ "Tỷ lệ phần trăm của giá trị" thì nộp hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu, vật tư; quy trình sản xuất.
Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định.
Thông tư số 33/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023.
Đức tăng cường nhập cá tra từ Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 6/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Đức tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương trong khi hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm từ 3% - 61%.
Đức là một trong số ít các thị trường giữ được đà tăng trưởng dương 2 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/6/2023 giá trị xuất khẩu cá tra sang Đức đạt hơn 17 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường.
Năm 2022, Đức nằm trong Top 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU sau Hà Lan, chiếm 14% tỷ trọng trong khối thị trường EU với gần 30 triệu USD, tăng 169% so với năm 2021.
Tháng 6/2023, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã giảm xuống còn 6,4%. So với tháng 5/2023, con số này có tăng nhẹ do những biện pháp hỗ trợ mà Chính phủ Đức thực hiện như giảm thuế nhiên liệu để bù đắp chi phí năng lượng tăng cao sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, hay tung ra vé đi lại các phương tiện công cộng đã kết thúc.
Lạm phát cũng làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của đất nước nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này. Những thách thức từ xung đột Nga - Ukraine, hậu quả về kinh tế đi kèm, sức khỏe kinh tế toàn cầu yếu kém, giá năng lượng và tiêu dùng ở mức cao cũng như vấn đề an ninh nguồn cung năng lượng chính là những nguyên do chính khiến người dân Đức thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi/ướp lạnh, người dân Đức gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh để tiết kiệm chi phí.
Đức là một trong những thị trường nổi bật trong khối EU giữ được “phong độ” ổn định về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Kỳ vọng lạm phát và tồn kho tại Đức giảm dần để cá tra Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng dương khi được xuất bán sang thị trường này trong những tháng cuối năm.
Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 34 lần trong 10 năm
Trong 10 năm qua (2013 - 2022), lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng 28 lần và giá trị xuất khẩu tăng 34 lần.
Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thực hiện. Theo đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, đạt kim ngạch 0,79 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén đạt 1,57 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 97% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường trong năm 2022.
Trong 10 năm qua (2013-2022), lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng 28 lần và giá trị xuất khẩu tăng 34 lần. (Nguồn: Báo Công Thương) |
6 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén của Việt Nam xuất đi Hàn Quốc đạt khoảng 0,8 triệu tấn. Dự kiến đến hết năm 2023, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1-1,5 triệu tấn. Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc (cung 80% trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường).
Những tháng đầu năm 2023 chứng kiến mức biến động giá rất lớn đối với viên nén Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đầu năm, giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản dao động trong khoảng 140 USD/tấn (FOB Việt Nam), sau đó tăng rất mạnh, đạt 180-190 USD/tấn rồi giảm dần.
Trong tháng 6/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 110 USD/tấn trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật Bản đạt 145-165 USD/tấn. Điều này làm cho một số doanh nghiệp viên nén Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất.
Theo đánh giá của chuyên gia Forest Trends, thị trường Nhật Bản có tính ổn định hơn nhiều so với Hàn Quốc, với các đơn hàng dài hạn (hợp đồng mua-bán thường là 10-15 năm) hiện được xuất với mức giá dao động khoảng 145-165 USD/tấn (FOB Việt Nam). Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn viên nén vào Nhật Bản. Toàn bộ lượng viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo.