Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa) |
Xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU
Chiều 12/12, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác giữa một số địa phương Việt Nam và Liên minh châu Âu” nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy hợp tác giữa địa phương Việt Nam với khu vực châu Âu.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về nước tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị ngoại vụ 20.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, Việt Nam có vị trí quan trọng trong các chính sách toàn cầu và khu vực của Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế lớn trong thúc đẩy hợp tác với EU vì tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN cùng với Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là thuận lợi và cơ hội chưa từng có để quan hệ giữa hai bên đi vào thực chất.
Tuy nhiên, mức độ xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn khiêm tốn, mới chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, thu hút đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng. Thứ trưởng nhận định, điều này cho thấy dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với châu Âu còn rất lớn. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương có những đề nghị rất cụ thể để Bộ Ngoại giao và các Đại sứ cùng trao đổi, hỗ trợ các địa phương triển khai.
“Trên cơ sở các đề xuất, Cơ quan đại diện và địa phương cần cụ thể hoá thành các thoả thuận, kế hoạch, chương trình hợp tác trung và dài hạn, thiết lập các cơ chế trao đổi thông suốt, đúng với tinh thần mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là xây dựng nền ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Tôn Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường châu Âu
Bằng quyết tâm và nỗ lực không ngừng, đề cao tinh thần “Đúng định lượng - Chuẩn chất lượng”, tôn Pomina đã tạo được những cột mốc đáng tự hào khi liên tiếp xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu.
Theo ông Bùi Quang Thuận – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tôn Pomina, lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Bỉ vào tháng 5/2021, đánh dấu cột mốc tôn Pomina chính thức tham gia thị trường châu Âu. Sau đó là hàng loạt các đơn hàng lớn từ những khách hàng Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức liên tiếp xuất khẩu thành công ngay giữa đại dịch.
Chia sẻ bài học thành công của của tôn Pomina, ông Thuận cho biết, theo kế hoạch, năm đầu tiên, tôn Pomina tập trung phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Năm thứ hai, công ty lấn sân sang những thị trường xa hơn và được đón nhận rất tích cực ở thị trường châu Âu và Mỹ.
"Tôn Pomina tự tin đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe, nguồn nguyên liệu rõ ràng, ổn định về chất lượng, đáp ứng thời gian giao hàng. Những thành công này là cơ sở, tiền đề để chúng tôi tiếp tục 'tổng lực tấn công' sang những thị trường này trong thời gian tới", ông Thuận khẳng định.
Sắp diễn ra Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021
Triển khai các định hướng, giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong giai đoạn bình thường mới, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam năm 2021.
Diễn đàn năm nay với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế” được tổ chức vào 8h30 ngày 15/12 tại trụ sở Bộ Công Thương - 23 Ngô Quyền, Hà Nội.
Chương trình dự kiến của Diễn đàn gồm có 2 phiên thảo luận. Phiên 1 với các nội dung: Cơ hội và thách thức của một số thị trường xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19; Chiến lược quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) giai đoạn 2021-2025 và định hướng phối hợp với các đối tác về lĩnh vực thương mại tại Việt Nam. Phiên 2 với các nội dung: Định hướng, giải pháp xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.
Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan điều phối hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu; kênh đối thoại chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu; nhận định các cơ hội, triển vọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và khả năng chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Xuất khẩu điều đạt 3,63 tỷ USD
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, kết quả xuất khẩu điều năm 2021 đạt 577.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,63 tỷ USD, tăng 13% về giá trị và tăng 12% về lượng so với năm 2020.
Xuất khẩu điều vẫn tăng trưởng tốt nhờ ngành sản xuất chế biến điều vẫn hoạt động tốt. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 11 và tháng 12/2021 ở ngưỡng 6.500 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, quý 4/2021 là mùa cao điểm tiêu thụ hạt điều, các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc... tăng cường nhập khẩu. Còn ở trong nước, tình trạng giãn cách đang dần được nới lỏng, giúp hoạt động sản xuất và vận chuyển thuận lợi hơn.
Chính vì số lượng tiêu thụ hạt điều trong quý 4 tăng và chuẩn bị đón Giáng sinh của các thị trường trên thế giới đã thúc đẩy xuất khẩu điều tăng lên, đạt mục tiêu xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra ngay từ đầu năm 2021.
Trong những thị trường nhập khẩu điều Việt Nam, thì thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn là những thị trường chủ lực của hạt điều Việt Nam. Tại thị trường châu Âu, Hà Lan và Đức là 2 quốc gia nhập khẩu hạt điều của Việt Nam lớn nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự tăng trưởng này giữ được ổn định là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều. Bởi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để ứng phó với dịch Covid-19, các doanh nghiệp gia tăng chi phí vào nguồn lực lao động hoạt động sản xuất "3 tại chỗ," cộng với những phát sinh chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu container trong thời gian vừa qua.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, năm nay tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nhưng xuất khẩu điều vẫn tăng trưởng tốt nhờ ngành sản xuất chế biến điều vẫn hoạt động tốt. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều vẫn cố gắng duy trì nhà máy sản xuất, cung ứng nguồn nguyên liệu đầy đủ cho nhà máy.
Thêm vào đó, những thiết bị phục vụ cho nhà máy cũng được doanh nghiệp sắp xếp đặt hàng, vận chuyển và thay thế kịp thời, giúp quá trình sản xuất các đơn hàng kịp tiến độ. Với diễn biến tình hình ứng phó dịch bệnh trong nước, các doanh nghiệp chế biến điều có thể vượt qua, nhưng vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu chính là giá vận chuyển, logictics biến động mạnh, tăng hơn 10 lần so với năm 2020 khiến lợi nhuận của ngành điều phải san sẻ vào phân đoạn này lúc giao hàng.
Không chạy đua số lượng, xuất khẩu gạo 2022 kỳ vọng "bán ít thu tiền nhiều"
Lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ sụt giảm so với năm 2021, tuy nhiên, với giá gạo ở mức cao, lượng ngoại tệ mang về được kỳ vọng vẫn cao khi các doanh nghiệp tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Cùng với tín hiệu tích cực của thị trường, diễn biến giá cũng là một trong những yếu tố lạc quan của gạo Việt Nam trong năm 2022.
Số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong các tháng cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác. Điển hình như ngày 1/12 giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 415 USD/tấn trong khi Thái Lan ở mức 381 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan có giá lầ lượt là 348 USD/tấn và 353 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, xu hướng giá cả hàng hoá tăng cao do lạm phát kinh tế toàn cầu sẽ giúp giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng thêm trong năm sau.
Phân tích về xu hướng này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV cho rằng, nhiều năm tới giá gạo Việt Nam sẽ cao hơn giá gạo cùng chủng loại của nhiều quốc gia khác. Bởi thực tế, hiện nay Việt Nam đã lai tạo nhiều giống lúa phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, khâu chế biến gạo cũng cải thiện hơn, người nông dân trồng lúa 3 vụ với sản lượng, chất lượng đồng đều nên khách hàng rất có lòng tin với gạo Việt Nam.
| Xuất khẩu ngày 6-10/12: Đại sứ 'mách nước' cho doanh nghiệp xuất khẩu; ngành dệt may 'cán đích' 39 tỷ USD Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tạo nhịp cầu cho hàng Việt ra nước ngoài; xuất khẩu dệt may "cán đích" doanh thu 39 tỷ ... |
| Xuất khẩu ngày 4-6/12: Nông, thủy sản lại 'gặp khó' tại thị trường Trung Quốc; vải Việt đóng hộp chính thức có mặt tại siêu thị Pháp Vải đóng hộp Việt Nam lên kệ siêu thị tại Pháp, xuất khẩu nông thủy sản lại gặp khó với thị trường Trung Quốc, VASEP ... |