Gian hàng Tết Việt Nam trong Tuần hàng Tết Việt Nam năm 2023 tại đại siêu thị Carrefour Part Dieu, thành phố Lyon, Pháp. (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Pháp) |
Tái hiện không gian Tết Việt Nam tại siêu thị tại Carrefour, nước Pháp
Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với nhà nhập khẩu và tập đoàn bán lẻ Carrefour tổ chức Tuần hàng Tết Việt Nam năm 2023, từ ngày 13/1 - 19/1/2023.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, đèn hoa, rực rỡ đón xuân sang - đây là không khí Xuân Việt Nam thu hút mọi khách mua hàng tại đại siêu thị Carrefour Part Dieu tại thành phố Lyon, Pháp ngày 13/1/2022.
Đại siêu thị Carrefour Part Dieu nằm trong trung tâm thương mại giữa thành phố Lyon, đã được chọn là điểm đến cho sự kiện Tuần hàng Tết Việt Nam năm 2023 do Thương vụ Việt Nam tại Pháp phối hợp với nhà nhập khẩu và tập đoàn bán lẻ Carrefour tổ chức, với sự hiện diện của Đại sứ Đinh Toàn Thắng và Tổng Giám đốc Carrefour Pháp, Rami Baitieh và Giám đốc chuỗi đại siêu thị Carrefour, Bruno Lebon.
Được biết, đây là lần đầu tiên các sự kiện quảng bá hàng hóa, hình ảnh Việt Nam được tổ chức bên ngoài vùng thủ đô Paris – Ile de France, đánh dấu một bước mới trong hợp tác 3 bên và cũng đồng thời mở ra giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch lan tỏa hình ảnh hàng hóa, ẩm thực và văn hóa Việt Nam cũng như định hướng tiêu dùng tới đông đảo người tiêu dùng Pháp, khởi đầu cho hợp tác sâu rộng hơn nữa trong năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ cắt băng khai trương tuần hàng Tết, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, đây là sự kiện Tuần hàng thứ 4 được Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp tổ chức với Carrefour trong giai đoạn hợp tác 2 năm vừa qua và mỗi lần chúng ta đều thấy các sự kiện thu hút ngày càng đông đảo hơn người mua hàng. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Pháp đang ngày càng quan tâm và biết đến ẩm thực Việt Nam.
Chia sẻ về tầm nhìn của Carrefour Pháp đối với hàng hóa, ẩm thực Việt Nam, ông Rami Baitieh - Tổng giám đốc Carrefour Pháp cho hay: Carrefour đặt mục tiêu mang lại nhiều lựa chọn hơn nữa cho người tiêu dùng Pháp và ẩm thực Việt Nam là một trong những ưu tiến của chúng tôi. 2023 là năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, nhưng cũng là kỷ niệm 60 đại siêu thị đầu tiên của Carrefour ra đời… chúng tôi đang tiếp tục phối hợp để sẽ có nhiều hơn nữa các sự kiện với Việt Nam.
Tin liên quan |
Đa dạng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Pháp hậu Covid-19 |
Đại diện đơn vị trực tiếp nhập khẩu, ông Nhất Thành Khiêm - Tổng giám đốc công ty T&T Foods cho biết, trong 2 năm vừa qua, đầu mục hàng Việt Nam của chúng tôi đã tăng gần gấp đôi và sẽ sớm đạt con số 200 mặt hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới vấn đề duy trì chất lượng đồng đều và bền vững.
Hợp tác 3 bên để tiếp cận tới các kênh phân phối lớn và trực tiếp tới tay người tiêu dùng tại Pháp là mô hình được Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai từ đầu năm 2021. Đến nay, việc hợp tác này đã thành công tiếp cận trực tiếp tới 2 tập đoàn phân phối bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Pháp và trong top 5 của châu Âu là E.Leclerc và Carrefour.
Qua quá trình thiết lập quan hệ, sự kiện đầu tiên được tổ chức là Tuần hàng Việt Nam lần đầu tiên tại Carrefour với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới Pháp. Sau đó, sự kiện Tuần lễ vinh danh Tết Việt Nam được tổ chức vào tháng 1/2021. Trong tháng 9/2022 hai sự kiện được tổ chức là Tuần lễ ra mắt gạo mang thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên tại Pháp, tổ chức tại Carrefour và Tuần lễ Tết Trung thu Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại hệ thống đại siêu thị E.Leclerc.
Chia sẻ về cơ chế hợp tác này, ông Vũ Anh Sơn - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, đây là một trong những hoạt động được Thương vụ xây dựng trong khuôn khổ "Đề án Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài".
Những hoạt động này không chỉ giúp quảng bá hàng hóa Việt Nam, định hướng tiêu dùng với người bản địa mà cũng đồng thời là một đối trọng trong đàm phán với đối tác để đưa nhiều hơn nữa hàng thực phẩm dưới thương hiệu Việt Nam vào các đại siêu thị.
Ngành gỗ kỳ vọng xuất khẩu đạt 18 tỷ USD
Phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cuối tuần qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%. Đây được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo ông Lập, nửa cuối năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã phải cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.
“Trước đây, vào dịp cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đều rất bận rộn, tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi châu Âu và chuẩn bị đơn hàng cho năm sau. Thế nhưng năm nay, hàng tồn rất nhiều trong các doanh nghiệp ngành gỗ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu nào cho năm 2023, dẫn đến phải sản xuất cầm chừng”, ông Lập nói.
Trong kim ngạch toàn ngành 16,928 tỷ USD của năm 2022, các mặt hàng chế biến sâu chỉ chiếm hơn một nửa. Nguyên nhân bởi, hai thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này là Hoa Kỳ và EU gần như “đóng băng” suốt 3 quý cuối năm 2022. Ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được thời cơ trong quý 1/2022, nhờ những đơn hàng cũ từ năm 2021.
Ông Lập nhận định nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.
Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các Hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...
Để kích cầu, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, giúp các nhà nhập khẩu có nhiều "không gian" để khuyến mại sản phẩm. Một số cách được ông Lập nêu ra như hạn chế sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực quản trị.
“Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng thông qua việc cải tiến mẫu mã, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao, hướng đến mở văn phòng đại diện tại các thị trường chính để giới thiệu sản phẩm”, ông Lập khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Trên cơ sở đó, ông Lập kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, bởi lẽ, họ có công nghệ, tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.
Củ cải Hà Giang được "cấp visa" sang thị trường Nhật Bản
18 tấn củ cải muối của tỉnh Hà Giang lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Đây là kết quả từ việc liên kết chuỗi giá trị giữa Hà Giang với Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Nhật Bản).
Lần đầu tiên củ cải Hà Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Theo đó, để có những lô hàng củ cải muối xuất khẩu, doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với bà con nông dân các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu khảo sát, kiểm tra, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã cung ứng giống, vật tư phân bón cho bà con nông dân. Sau đó, sản phẩm được bán lại cho công ty theo đúng cam kết.
Chương trình bao gồm các sản phẩm như: Củ cải, gừng trâu, các mô hình liên kết củ kiệu, tre Bát Độ. Phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã hoàn thiện xưởng sơ chế và chế biến sâu củ cải quy mô 1.000 tấn/năm.
Sự kiện này là cơ hội để tổ chức phát triển sản phẩm nông sản tại Hà Giang theo hướng hàng hóa, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Theo kế hoạch, lô hàng củ cải đầu tiên sẽ xuất bến cảng Việt Nam và cập cảng Nhật Bản trong khoảng 7 ngày tới.
| Thua kiện EU vụ cấm xuất khẩu nickel, Indonesia chính thức kháng cáo lên WTO Ngày 6/1, Indonesia chính thức đệ đơn kháng cáo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi bị xử thua Liên minh châu ... |
| Việt Nam xuất siêu ấn tượng sang nhiều thị trường có FTA Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam đạt gần 372 tỷ USD, nhưng ấn tượng hơn cả là mức xuất siêu lớn sang ... |
| Xuất khẩu ngày 6-8/1: Tiềm năng tỷ USD từ viên nén gỗ; xuất khẩu gỗ sang EU 'gặp khó' Cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản khi Trung Quốc mở cửa; Tiềm năng tỷ USD từ viên nén gỗ; xuất khẩu gỗ sang ... |
| Những 'tuyệt chiêu bỏ túi' giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường Nhật Bản Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với nhiều sản ... |
| Cửa khẩu phía Bắc lại tấp nập hoạt động giao thương; kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ vượt 100 tỷ USD... là những tin ... |