Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã liên tục bứt tốc từ những tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Vinanet) |
Xuất khẩu thủy sản sang Đài Loan (Trung Quốc) tăng vọt
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã liên tục “bứt tốc” từ những tháng đầu năm 2021. Trong đó, riêng tháng 1.2021 tăng 66,4% về lượng và tăng 61,4% về kim ngạch so với tháng 1/2020.
Trong 2 tháng qua, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Đài Loan liên tục tăng cao, hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan đạt 6,3 nghìn tấn, kim ngạch 22,3 triệu USD, tăng 65,9% về lượng và tăng 62,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan tháng 1.2021 đạt 3,1 nghìn tấn với kim ngạch 10,1 triệu USD, tăng mạnh 66,4% về lượng và tăng 61,4% về kim ngạch so với tháng 1.2020.
Trong đó, xuất khẩu 3 mặt hàng lớn nhất là tôm, cá hồi và cá tra đông lạnh đều tăng trưởng tốt, cụ thể: Tôm đông lạnh tăng 92% về lượng và tăng 54,4% về kim ngạch; cá hồi đông lạnh tăng 140,9% về lượng và tăng 105,5% về kim ngạch; cá tra đông lạnh tăng 19,6% về lượng và tăng 17,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Nửa tháng sau Tết kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 2 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, nửa cuối tháng 2 (16-28/2), sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có sự hồi phục ấn tượng khi đạt 21,60 tỷ USD, tăng 12,6% (tương ứng tăng 2,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2021.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 2 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm lên con số 95,85 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 18,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 68,52 tỷ USD, tăng 31,5% (tương ứng tăng 16,41 tỷ USD); kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 27,33 tỷ USD, tăng 10,1% (tương ứng tăng 2,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 2, Việt Nam nhập siêu 1,14 tỷ USD. Nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm, nước ta vẫn xuất siêu 1,64 tỷ USD.
Về diễn biến đáng chú ý của hoạt động xuất khẩu nửa cuối tháng 2, Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch đạt 10,23 tỷ USD, tăng 2,9% (tương ứng tăng 293 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 2.
Tính hết tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7%, tương ứng tăng 9,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 2 đạt 11,37 tỷ USD, tăng 23% (tương ứng tăng 2,12 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2.
Người Mỹ tăng mua hàng Việt
Bộ Nông nghiệp Phát triển & Nông thôn cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tăng cao như rau quả, các sản phẩm từ gỗ, cao su, chè, điều…
Điểm nổi bật nhất là Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong khi trước đây vị trí này luôn thuộc về Trung Quốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước chỉ đạt 1,88 tỷ USD.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh nhận định, về khách quan, nguyên nhân xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh là do mức độ chi tiêu của người tiêu dùng nước này cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất vẫn tăng lên kể cả thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh.
Về chủ quan, hàng đồ gỗ Việt đắt khách ở Mỹ do các công ty ngành này hầu như không bị gián đoạn sản xuất, duy trì được năng lực xuất khẩu. Nhờ vậy hàng Việt chớp thời cơ lấp vào chỗ trống khi ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh.
“Bản thân các đơn vị ngành gỗ nước ta thay đổi nhanh chóng, nhạy bén trong quảng bá và bán hàng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Qua đó góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất gỗ Việt Nam mạnh dạn đầu tư, thường xuyên giới thiệu sản phẩm mới, tiện nghi hơn và phát triển nhiều kênh thương mại để thu hút khách hàng một cách hiệu quả”, ông Phương nhận định.
Xuất khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2021 đạt 442 triệu USD
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2021 đạt 75 nghìn tấn và 442 triệu USD, tăng 46,1% về khối lượng và tăng 21,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Lượng cung điều nhân ở Việt Nam không nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao. Giá điều nhân được dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Cụ thể, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 2 năm 2021 ước đạt 30 nghìn tấn với giá trị 174 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2021 đạt 75 nghìn tấn và 442 triệu USD, tăng 46,1% về khối lượng và tăng 21,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tính trong tháng 1/2021, Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 24,4%, 19,2% và 10,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Cũng trong tháng 1/2021, giá trị xuất khẩu điều tăng ở hầu hết các thị trường ngoại trừ: Anh giảm 44,9%, Thái Lan giảm 12,1% và Pháp giảm 4,3%.
Theo Tổng cục Hải Quan, do lượng điều xuất khẩu tăng mạnh, nên nhu cầu nhập khẩu điều thô nguyên liệu phục vụ cho chế biến càng lớn. Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 2/2021 ước đạt 70 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu ước đạt 90 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2021 đạt 194 nghìn tấn và 270 triệu USD, tăng 82,8% về khối lượng và tăng 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu không biến động sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước giữ ở mức 33.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô ổn định ở mức 28.000 đồng/kg.