Xuất khẩu ngày 13-16/7: Cuộc chiến giữa ô tô Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan tại thị trường Việt Nam. (Nguồn: Thương trường) |
Dự kiến tăng thuế XK vàng lên 2%
Theo VGP, dự kiến thống nhất mức thuế XK đối với vàng lên 2% được đề cập tại dự thảo sửa đổi biểu thuế XK nhập khẩu ưu đãi mới được đưa ra lấy ý kiến.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch XK mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2019 là 2,1 tỷ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018) và năm 2020 là 2,6 tỷ USD, tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95% (năm 2020 khoảng 2,1 tỷ USD).
Về chính sách thuế XK, mặt hàng vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm, hoặc ở dạng bột có mức thuế suất thuế XK là 2%.
Mức thuế suất đối với sản phẩm trang sức bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý; đồ kỹ nghệ vàng bạc bằng kim loại quý hoặc dát kim loại quý… có thuế suất bằng 0%.
Riêng những sản phẩm kim loại quý hoặc dát kim loại quý có hàm lượng vàng từ 95% trở lên có thuế suất 2%.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay các doanh nghiệp XK chủ yếu khai báo mặt hàng XK là vàng mỹ nghệ các loại, hàm lượng vàng dưới 95%, mã hàng 7114.19.00.90, thuế XK là 0%.
Tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra.
Các công ty thực hiện giám định chất lượng vàng trước khi XK đều thể hiện hàm lượng vàng dưới 95%, các chứng từ giám định lại của đối tác nước ngoài đều dưới 95%.
Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ thống nhất một mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay, tăng thuế XK các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2% và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa biểu thuế.
Tiêu hủy cả trăm tấn hoa XK
Trong ngày 15/7, Công ty hoa Dalat Hasfarm (Đà Lạt, Lâm Đồng) tiếp tục mở container hoa để tiêu hủy. Từ đầu tháng 7 đến nay, công ty này đã phải tiêu hủy 3 container, số tiền bị thiệt hại lên đến 2,9 tỷ đồng.
Hơn một tuần trước đó, công ty hoa này và 40 hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt phải tiêu hủy (xay làm phân bón) hơn 700.000 cành hoa cúc dù hoa đạt chất lượng XK.
Trước đó, tổ kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã không cấp giấy phép cho các lô hàng XK sang Australia do được xử lý bằng glyphosate.
Toàn bộ số hoa này đều phải tiêu hủy bằng cách xay nhuyễn để ủ phân bón. Nếu trong tháng tới không XK được, Công ty hoa Dalat Hasfarm dự kiến có thêm khoảng 2,2 triệu cành hoa phải tiêu hủy, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc này là theo quy định của Bộ NN&PTNT, không được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất bán mà phải sử dụng hợp chất thay thế. Tuy nhiên, phía Australia lại yêu cầu hoa cúc và cẩm chướng phải được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa và không chấp nhận hợp chất thay thế khác.
Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong khi chờ phía Australia chấp thuận hợp chất thay thế glyphosate, Sở đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép người trồng hoa xuất sang Australia tại Lâm Đồng được sử dụng hợp chất glyphosate dưới sự giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa phản hồi về đề xuất trên.
Những tháng đầu năm, Philippines vẫn là thị trường đứng đầu nhập khẩu gạo của Việt Nam, với trên 1,09 triệu tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Vietnamplus) |
XK gạo giảm 14% trong nửa đầu năm
Kết thúc 6 tháng đầu năm, lượng gạo XK của cả nước đạt hơn 3 triệu tấn, giảm 14%, thu về gần 1,65 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2021, cả nước XK 436.140 tấn gạo, trị giá hơn 241,6 triệu USD, giảm 30% về lượng và giảm 29% về giá trị so với tháng 5.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2021 lượng gạo XK của cả nước đạt hơn 3 triệu tấn, giảm 14%, thu về gần 1,65 tỷ USD, giảm 4%, tuy nhiên giá XK trung bình đạt hơn 544 USD/tấn, tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái.
Những tháng đầu năm, Philippines vẫn là thị trường đứng đầu nhập khẩu gạo của Việt Nam, với trên 1,09 triệu tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đứng thứ hai với gần 581.000 tấn, tương đương 309 triệu USD, giá trung bình 531,4 USD/tấn, tăng gần 280% về lượng, tăng 12,5% về kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, XK gạo sang Malaysia giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với sản lượng đạt hơn 151.100 tấn, giảm gần 56%; trị giá hơn 80 triệu USD, giảm 45,4%. Giá XK trung bình đạt 530,3 USD/tấn, tăng 18,7%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) XK gạo cả năm ước đạt khoảng 6,2-6,3 triệu tấn, trị giá đạt 3,1-3,2 tỷ USD.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Việt Nam đã hoàn thành được khoảng 48-48,8% mục tiêu lượng XK và 51,5 - 53,2% kế hoạch giá trị XK năm nay.
Cuộc chiến giữa ô tô Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan tại Việt Nam
Thị trường xe nhập khẩu Thái Lan và Indonesia có rất nhiều lợi thế, nhưng xe Trung Quốc cũng "không phải dạng vừa".
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xe nhập vào Việt Nam đạt 81.100 chiếc, tăng hơn 40.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con đạt 54.000 chiếc, chiếm gần 67%, tăng hơn 23.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chia nhau 3 vị trí dẫn đầu về thị phần nhập khẩu ô tô của Việt Nam
Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với 40.485 chiếc, kim ngạch 758 triệu USD; Indonesia đạt 23.072 chiếc, kim ngạch 287 triệu USD; Trung Quốc 11.459 chiếc, kim ngạch 427 triệu USD.
Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc từ 12 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các loại ô tô nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đang ngày càng nắm nhiều lợi thế nhờ quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) với mức thuế suất 0% áp dụng từ 1/1/2018. Giá xe từ hai quốc gia này ngày càng rẻ khi về Việt Nam.
Đầu tiên là Thái Lan, lượng xe từ thị trường này vào Việt Nam thường chiếm đến quá nửa tổng lượng xe nhập khẩu từ toàn bộ 12 thị trường cộng lại. Tháng 5/2021, trong tổng cộng 15.600 xe ô tô nguyên chiếc các loại đã có tới 7.407 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ xứ Chùa Vàng.
Indonesia là thị trường chủ yếu mang các dòng xe hạng A cỡ nhỏ như Xpander, Wigo, bình quân giá xe nhập thấp hơn rất nhiều. Tính toán từ tổng cục Hải Quan cho thấy, mức bình quân xe nhập Thái khoảng 430 triệu đồng/xe thì tại Indonesia là hơn 287 triệu đồng/chiếc trong năm 2021, giảm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 290 triệu đồng/chiếc và năm 2019 là hơn 320 triệu đồng/chiếc.
Đối với Trung Quốc, các mẫu xe từ thị trường này về Việt Nam đang cho thấy sự bứt tốc khá mạnh mẽ. 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 9.400 ô tô Trung Quốc được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam, gấp hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Thực tế, nhiều mẫu ô tô Trung Quốc nhập khẩu có thiết kế bắt mắt, giá bán cạnh tranh nhưng chỉ tạo sự chú ý với người tiêu dùng trong giai đoạn đầu vào Việt Nam, về sau khá loay hoay trong việc chinh phục khách Việt. Đơn cử, Brilliance V7, BAIC X55, Zotye Z8 không đạt được doanh số quá tốt khi so với đối thủ, thậm chí phải rút khỏi thị trường.
Việc tích cực đầu tư sang Thái Lan, Indonesia cũng là động thái cho thấy Trung Quốc đang tăng cường nhận diện ở Đông Nam Á. Ví dụ như tại Thái Lan, SAIC - hãng xe nội địa hàng đầu Trung Quốc đã hợp tác với một doanh nghiệp Thái để lập liên doanh từ năm 2016 và cho công suất sản xuất xe lên đến hơn 200.000 chiếc/năm.
Những cuộc đổ bộ và bước đi khôn ngoan này hứa hẹn sẽ khiến sự thị trường 4 bánh trong nước cạnh tranh quyết liệt hơn.